DOANH NHÂN VIỆT NAM VCEO
KIẾN TẠO CƠ HỘI - KẾT NỐI THÀNH CÔNG

Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam: Covid-19 gây hàng loạt đứt gãy, nhưng đồng thời mở ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển của nền kinh tế số

25/01/2022

Năm 2021 cũng được coi là năm bùng nổ của làn sóng chuyển đổi số khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp, cá nhân lựa chọn kinh doanh trực tuyến. Để thúc đẩy tiến trình dịch chuyển này, nhiều chính sách đơn giản hóa quy trình đăng ký đã được các nền tảng TMĐT áp dụng.
Mục lục bài viết

    Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 trong năm qua đã gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế cả nước, làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá, cản trở hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng trong năm 2021, ngành Thương mại điện tử (TMĐT) lại chứng kiến nhiều cột mốc tăng trưởng quan trọng và mở ra nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

    10 người được hỏi thì có 8 người đã mua sắm trực tuyến ít nhất một lần

    Ghi nhận tại báo cáo TMĐT 2021 của Lazada mới công bố, trong giai đoạn 2020 - 2021, khu vực Đông Nam Á và Việt Nam chứng kiến nhiều thay đổi tích cực về thói quen mua sắm trực tuyến. Trong đó, nổi bật là sự trỗi dậy của một số hình thức bán hàng mới, giúp tăng khả năng tương tác để cải thiện trải nghiệm mua sắm của khách hàng trên nền tảng TMĐT, có thể kể đến như Social Commerce và Shoppertainment (hoạt động mua sắm kết hợp giải trí). Bên cạnh đó, năm 2021 còn ghi nhận sự thay đổi về chân dung người tiêu dùng trên TMĐT với sự mở rộng về độ tuổi và địa lý.

    Năm 2021 cũng được coi là năm bùng nổ của làn sóng chuyển đổi số khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp, cá nhân lựa chọn kinh doanh trực tuyến. Để thúc đẩy tiến trình dịch chuyển này, nhiều chính sách đơn giản hóa quy trình đăng ký đã được các nền tảng TMĐT áp dụng. Một ghi nhận thú vị là cứ 10 người được hỏi thì có 8 người đã mua sắm trực tuyến ít nhất một lần. Mặt khác, độ tuổi người tiêu dùng trực tuyến trên sàn TMĐT cũng được mở rộng, họ dành nhiều thời gian trên các nền tảng TMĐT hơn, sẵn sàng đặt hàng với số lượng và giá trị lớn hơn.

    Về thay đổi hành vi của người tiêu dùng, báo cáo ghi nhận 58% người tiêu dùng Việt cho rằng họ sẽ tiếp tục mua sắm hàng bách hóa trên nền tảng TMĐT bởi sự tiện lợi và thói quen này sẽ vẫn duy trì với 53% thừa nhận rằng mua hàng bách hóa trực tuyến đã trở thành một phần trong cuộc sống của họ. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam cũng sẵn sàng chi tiêu trực tuyến nhiều hơn. Dữ liệu cho thấy tỷ lệ người tiêu dùng trực tuyến mua sắm trên 5 triệu đồng trong năm 2020 tăng lên đáng kể so với năm 2019.

    Ông James Dong, Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam và Thái Lan chia sẻ: "Chúng ta đang trải qua một giai đoạn lịch sử, khi dịch Covid-19 gây ra hàng loạt khó khăn, đứt gãy, nhưng cũng đồng thời mở ra thêm nhiều cơ hội mới cho sự phát triển của nền kinh tế số và các dịch vụ trực tuyến."

    Với những luận điểm trên, đầu tư vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng logistics và các hoạt động CSR (trách nhiệm xã hội) đã trở thành những yếu tố khác biệt chủ đạo giữa các nền tảng TMĐT trong năm 2021. Riêng Lazada, sớm đầu tư vào mạng lưới logistics phức hợp - kết hợp giữa dịch vụ logistics nội bộ và đơn vị vận chuyển đối tác (3PLs), việc giao hàng của hãng ghi nhận hiệu quả và thông suốt, ngay cả trong những giai đoạn cao điểm giãn cách xã hội.

    Những xu hướng TMĐT năm 2022

    Năm xu hướng trọng tâm của TMĐT được dự đoán sẽ có tác động đáng kể đến hệ sinh thái TMĐT trong năm 2022, bao gồm: Social Commerce; UGC - nội dung do người dùng sáng tạo; cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng; sự phát triển của phương thức thanh toán kỹ thuật số và tầm quan trọng của mua sắm đa kênh.

    Để duy trì cơ hội tăng trưởng doanh số bán hàng trực tuyến, người bán hàng mới hoặc đã tham gia kinh doanh trên sàn TMĐT nên xem xét các xu hướng được dự báo trong báo cáo:

    + Sự lên ngôi của Social Commerce: Các phương thức bán hàng sử dụng nội dung tương tác cao, giao tiếp kết nối trực tiếp với người tiêu dùng như livestream (phát trực tiếp), trải nghiệm gian hàng ảo, hoạt động shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí) sẽ giúp thúc đẩy doanh số bán hàng. Doanh thu từ bán hàng qua livestream được dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022.

    + Nội dung do người dùng sáng tạo (user generated content) sẽ trở nên quyền lực hơn bao giờ hết: Với sự gia tăng của nhiều nền tảng mạng xã hội có tương tác cao và xu hướng để lại bài đánh giá (review), việc thu hút người dùng chia sẻ thêm các nội dung/nhận xét liên quan đến thương hiệu hoặc sản phẩm sẽ giúp tối ưu hóa kết nối và hỗ trợ quá trình quyết định mua hàng.

    + Mua sắm đa kênh: Tăng "điểm chạm" – đẩy doanh thu: Tận dụng cả kênh trực tuyến và truyền thống, sử dụng các công cụ tiếp thị trực tuyến có sẵn cũng như gói hỗ trợ từ nền tảng TMĐT là cách giúp nhà bán tiết kiệm chi phí khi mở rộng hoạt động kinh doanh trực tuyến.

    + Sự đa dạng hóa phương thức thanh toán mang lại trải nghiệm mua sắm tiện lợi và an toàn: Để tăng cường sự tiện lợi cho người tiêu dùng, thanh toán bằng ví điện tử đang trở nên phổ biến hơn và có khả năng chiếm ưu thế hơn phương thức thanh toán khi nhận hàng (COD) trong thời gian tới.

    + Xu hướng cá nhân hóa trải nghiệm của người dùng: Cá nhân hóa nội dung và điểm chạm trong hành trình mua sắm sẽ là chìa khóa để thu hút sự chú ý và giữ chân người tiêu dùng. Các nền tảng TMĐT như Lazada đã đầu tư vào AI và công nghệ để tổng hợp và xử lý thông tin, từ đó thấu hiểu khách hàng hơn và thiết kế những trải nghiệm riêng dành cho họ.

    Bài viết khác
    ĐĂNG KÝ ĐĂNG NHẬP
    Zalo
    Gọi điện