DOANH NHÂN VIỆT NAM VCEO
KIẾN TẠO CƠ HỘI - KẾT NỐI THÀNH CÔNG

Năm thất bát của Starbucks Việt Nam: Offline ảm đạm vì Covid, tháng 12 ‘chạy KPI’ mở ồ ạt 4 cửa hàng, đặt chân tới tỉnh thành thứ 6

06/01/2022

Trong năm 2021, không chỉ các DN Việt Nam mà cả các DN FDI cũng đã thích ứng tốt hơn với Covid-19. Minh chứng: trong năm 2020, Starbucks chỉ mở được thêm 6 cửa hàng, còn 2021 là khoảng 9. Ngoài ra, họ sắp khai trương cửa hàng đầu tiên tại Bình Dương, chính thức mở rộng thị trường ra thành phố thứ 6 tại Việt Nam.
Mục lục bài viết

    Như tất cả các thương hiệu F&B tại thị trường Việt Nam, Starbucks gặp rất nhiều khó khăn trong câu chuyện kinh doanh ở năm 2021. Theo bà Patricia Marques – Tổng Giám đốc Starbucks Việt Nam, dù không được phép tiết lộ chính xác doanh thu – lợi nhuận của chuỗi, song chắc chắn các chỉ số không thể bằng 2020 và 2019.

    Tuy nhiên, ngược lại, nhờ kinh nghiệm của năm 2020 và Việt Nam thay đổi chiến lược ứng phó Covid-19 (không theo đuổi Zero-Covid sau khi phủ vaccine), đã giúp Starbucks mở cửa hàng nhanh hơn và nhiều hơn năm trước. Sau khi kết thúc đỉnh dịch vào tháng 9, họ đã bắt tay ngay vào việc để kịp khai trương 4 cửa hàng ở tháng 12/2021.

    Offline ảm đạm, online thăng hoa

    Với bà Patricia Marques, những tưởng năm 2020 đã là quá đáng sợ, nhưng rồi năm 2021 còn đáng sợ hơn. Như rất nhiều thương hiệu F&B tại Việt Nam, 2021 tiếp tục là một năm thất bát của Starbucks. Chuỗi cửa hàng của họ tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM, rải rác ở Hải Phòng, Nha Trang và Đà Nẵng. Bắt đầu từ tháng 7, cả Hà Nội và TP.HCM bắt đầu bước vào đỉnh dịch căng thẳng nhất từ khi Covid-19 xuất hiện và giãn cách xã hội kéo dài gần 3 tháng. Trong nhiều tháng ngày đó, họ không bán được cả offline lẫn online. Với mô hình kinh doanh và cơ cấu tổ chức, cũng rất khó để Starbucks thực hiện ‘3 tại chỗ’.

    Năm thất bát của Starbucks Việt Nam: Offline ảm đạm vì Covid, tháng 12 ‘chạy KPI’ mở ồ ạt 4 cửa hàng, đặt chân tới tỉnh thành thứ 6

    Tuy nhiên, trong những tháng còn lại, offline vẫn tiếp tục ảm đạm để online thăng hoa. Bởi dù không còn giãn cách, song chính sách chung vẫn là khuyến khích mua mang đi hoặc giao tận nhà hơn là ngồi tại chỗ. Chỉ trong khoảng 2 tháng trở lại đây, tại TP.HCM, hệ thống cửa hàng của Starbucks mới lại mở cửa hoàn toàn và hoạt động hết công suất.

    "Starbucks đã bắt đầu bán hàng online trong năm 2020, tuy nhiên, trong năm 2021, chúng tôi còn hoạt động tích cực trên các nền tảng online hơn nữa. Ngoài GrabFood, Starbucks còn hợp tác với ShopeeFood để bán thức ăn – nước uống, mở gian hàng chính hãng trên cả Lazada và Shopee để bán các vật phẩm và bộ sưu tập cốc ly – bình giữ nhiệt theo mùa. Trên app của Starbucks Việt Nam, chúng tôi ra mắt thêm tính năng pick-up, đặt hàng và thanh toán trước sau đó hẹn giờ đến cửa hàng lấy sản phẩm. Chúng tôi còn bán bánh trung thu trên các nền tảng online", bà Chi Nguyễn – Giám đốc PR-Marketing của Starbucks Việt Nam cho biết.

    Covid-19 đã khiến các khách hàng của Starbucks tại Việt Nam hình thành nên thói quen mới: tiêu dùng online. Kể cả khi dịch bệnh có kết thúc, thói quen đó cũng sẽ không biến mất. Dự kiến, trong tương lai, doanh thu bán hàng online của Starbucks tại Việt Nam chắc chắn tiếp tục tăng. Tuy nhiên, chúng ta sẽ phải khẳng định thêm một lần nữa: dù kênh online tăng, song vẫn không thể bù được cho kênh ofline. Do đó, tổng doanh số không thể khiến Starbucks Việt Nam trở về thời ‘hoàng kim’ như 2019.

    Năm thất bát của Starbucks Việt Nam: Offline ảm đạm vì Covid, tháng 12 ‘chạy KPI’ mở ồ ạt 4 cửa hàng, đặt chân tới tỉnh thành thứ 6

    Starbucks cấp tập khai trương cửa hàng vào cuối 2021 và đầu 2022

    Dù kênh offline ảm đạm là thế, song bằng tài lực của mình, Starbucks vẫn cầm cự tốt và sẽ không đóng bớt cửa hàng, mà vẫn tiếp tục mở rộng theo kế hoạch. "Sở dĩ chúng tôi đóng cửa cửa hàng ở Khách sạn Rex là vì nó không mang lại hiệu quả rõ rệt và không thuận lợi cho vận hành. Nó không thuận lợi cho logistics vì câu chuyện làm đường và kẹt xe ở khu vực đó trong vài năm qua, vì Covid-19 nên khách du lịch cũng không nhiều như trước kia và chung quanh khu vực đó cũng có rất nhiều cửa hàng Starbucks. Trong kinh doanh chuỗi F&B, đóng hay mở cửa hàng nào đó là điều hết sức bình thường và không có gì to tát", Tổng Giám đốc Starbucks Việt Nam bày tỏ.

    Ngoài cửa hàng ở Khách sạn Rex – TP.HCM, trong năm 2021, họ còn đóng thêm cửa hàng nữa tại Press Club - Hà Nội. Bù lại, họ cũng đã khai trương rất nhiều cửa hàng trong năm nay. Vào buổi gặp mặt trước đó ở tháng 3/2021, bà Patricia Marques tiết lộ Starbucks Việt Nam có 67 cửa hàng trên toàn quốc. Trong lần gặp gỡ hôm 4/1/2022, bà cho biết con số đó đã lên 77. Trong năm 2021, họ khai trương liên tục 3 cửa hàng tại Nha Trang và vừa khai trương 4 cửa hàng trong tháng 12/2021 (3 Hà Nội – 1 TP.HCM).

    Năm thất bát của Starbucks Việt Nam: Offline ảm đạm vì Covid, tháng 12 ‘chạy KPI’ mở ồ ạt 4 cửa hàng, đặt chân tới tỉnh thành thứ 6

    Tuy nhiên, đà khai trương của Starbucks vẫn chưa dừng lại. Hôm nay 5/1, họ đang khai trương cửa hàng tại AEON Bình Tân – TP.HCM. Họ cũng đang gần hoàn tất cửa hàng đầu tiên của mình ở Bình Dương, cụ thể ở AEON Canary và sẽ sớm chính thức mở cửa trong tương lai gần. Như thế, Bình Dương là tỉnh thành thứ 6 mà họ đặt chân đến sau 8 năm đến Việt Nam.

    "Dù Covid-19, song Starbucks Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục kế hoạch mở rộng thị trường tại Việt Nam và sẽ khai trương nhiều cửa hàng mới trong năm 2022. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm trong năm 2020 và 2021, ‘nói trước bước không qua’, chúng tôi sẽ không đề ra con số cửa hàng cụ thể sẽ mở, mà tốc độ mở sẽ tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh. Chúng tôi cũng có dự định sẽ mở thêm cửa hàng tại Đà Nẵng và Hải Phòng", bà Patricia Marques tiết lộ. Hiện, Starbucks có 3 cửa hàng tại Nha Trang, 4 tại Đà Nẵng và 3 tại Hải Phòng.

    Bài viết khác
    ĐĂNG KÝ ĐĂNG NHẬP
    Zalo
    Gọi điện