DOANH NHÂN VIỆT NAM VCEO
KIẾN TẠO CƠ HỘI - KẾT NỐI THÀNH CÔNG

Triển lãm Công nghệ Giáo dục 2022: Giáo dục Việt Nam hậu Covid-19

22/06/2022

Công nghệ giáo dục dần sẽ giúp giải quyết được những vấn đề thiết thực như sự tương tác giữa thầy và trò, đảm bảo sự tham gia lớp của học sinh, đảm bảo chất lượng đồng nhất cho tất cả cơ sở giáo dục.
Mục lục bài viết

    Được tổ chức bởi ClassIn - Top 50 công ty công nghệ giáo dục toàn cầu, triển lãm Công nghệ giáo dục 2022 đánh dấu là sự kiện về công nghệ thiết kế riêng cho giáo dục đầu tiên sau hơn hai năm cả nước chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

    Triển lãm quy tụ hơn 15 doanh nghiệp, các nhà quản lý, khởi nghiệp giáo dục hàng đầu, các công ty công nghệ, hệ thống quản lý học tập, nhà xuất bản giáo dục nổi tiếng như FPT Telecom, Macmillan, Cohota, DotB, OMT, Global Exam, mangoSTEEMS, ACTs of life.

    Triển lãm Công nghệ Giáo dục 2022: Giáo dục Việt Nam hậu Covid-19

    Bức tranh ngành Edtech Việt Nam hậu COVID

    Tại tọa đàm, các diễn giả cùng bàn luận về những trọng điểm của bức tranh ngành giáo dục tương lai và khẳng định rằng xu hướng học tập trực tuyến và giáo dục kết hợp online với offline sẽ tiếp tục phát triển và đóng vai trò quan trọng trong tương lai giáo dục của Việt Nam.

    Công nghệ giáo dục dần sẽ chiếm lấy vai trò lớn trong các lớp học nhờ giải quyết được những vấn đề về sự tương tác giữa thầy và trò, đảm bảo sự tham gia của học sinh trong các tiết học, đảm bảo chất lượng đồng nhất cho tất cả các lớp học và địa điểm.

    Bà Đậu Thuý Hà - nhà sáng lập nền tảng KidsOnline cũng nhấn mạnh rằng kỹ năng học tập online sẽ không chỉ áp dụng cho mùa dịch, mà đây sẽ là một kỹ năng quan trọng mà các phụ huynh cần tạo điều kiện cho các em học sinh cần trau dồi khi các công việc trong tương lai đều đòi hỏi khả năng cộng tác từ xa, xuyên biên giới.

    Triển lãm Công nghệ Giáo dục 2022: Giáo dục Việt Nam hậu Covid-19

    "Có một điều thú vị là nhờ Covid, khi chuyển đổi số lớp học cũng là lúc IEG nhận ra khách hàng tiềm năng không chỉ gói gọn trong khu vực thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi hiện nay đã có học sinh trải dài từ Hà Giang đến Cà Mau, đôi khi còn có các em học sinh Việt Nam đang học ở nước ngoài như Nhật Bản nữa... số tiết dạy online sau dịch mình đảm nhận còn nhiều hơn trong dịch. Đến nay, Hiếu gần như không còn dạy offline, chỉ dạy online.", tiến sỹ Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ.

    Đồng quan điểm, ông Ngô Huỳnh Nguyễn - giám đốc phát triển sản phẩm của Galaxy Education - chia sẻ trong mùa dịch, mỗi ngày có hơn 1.000 lớp học online của đơn vị này được triển khai. Hiện nay số tiết học từ xa của Galaxy Education vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định.

    Bà Đào Lan Hương - giám đốc điều hành của start-up công nghệ giáo dục Teky - cho biết sau COVID-19, các lớp học offline của Teky đã trở lại trên cả nước. Tuy nhiên đáng chú ý, 50% trong số các lớp hiện nay theo hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp. Và trong số các lớp kết hợp này, phân nửa đang được dạy hoàn toàn online.

    Vẫn còn nhiều dư địa cho Edtech Việt Nam

    Về góc nhìn của nhà đầu tư, ông Vương Nhật Anh - chuyên gia từ Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures - cho biết dư địa phát triển cho các công ty vẫn còn rất lớn. Nhiều bài toán giáo dục vẫn đang cần được giải quyết bằng công nghệ như vấn đề quản lý học sinh, quản lý phụ huynh, đo lường khả năng học tập, đánh giá tiến bộ hay thiết kế lộ trình theo hướng cá nhân hóa. Do đó, các edtech cũng sẽ cần phải tối ưu lại các công cụ và tính năng để phù hợp với mô hình đào tạo mới.

    Bà Trương Lê Quỳnh Tương - giám đốc ClassIn Đông Nam Á - cho rằng tương lai của các Edtech sau COVID-19 có thể sẽ là hình thành những hệ sinh thái công nghệ giáo dục. Ví dụ, ClassIn sẽ không dừng lại ở một nền tảng học trực tuyến, mà sẽ phát triển thêm những phần mềm bổ trợ như số hoá giáo trình, tài liệu học tập. "Một hệ sinh thái edtech trong tương lai sẽ có sự kết hợp giữa các nền tảng, phương pháp giáo dục, nội dung giảng dạy và giáo trình công nghệ", bà Tương nói.

    Triển lãm Công nghệ Giáo dục 2022: Giáo dục Việt Nam hậu Covid-19

    Ông Nguyễn Chí Hiếu cho rằng chất lượng của một edtech sẽ chưa phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR). Thay vào đó, quyết định cho sự thành công là bài toán liệu giáo viên có sử dụng hiệu quả những edtech này để nâng cao chất lượng dạy học hay không? Đôi lúc, edtech được triển khai một cách "ép buộc" lại là "gánh nặng" cho giáo viên. Đơn cử với một số phần mềm quản lý học sinh hiện nay, giáo viên phải cặm cụi nhập liệu mỗi tối, rất mệt mỏi.

    Theo ông Hiếu, người làm edtech cần đi thật sâu vào giáo dục. Ông thường khuyên những người muốn đầu tư vào edtech nên "theo chân" giáo viên, để ít nhất biết được một ngày làm việc của họ ra sao, gặp những áp lực gì, kỹ năng công nghệ tới đâu.

    Khi thật sự hiểu được các hoạt động giáo dục đang diễn ra, giải pháp edtech mới đi vào thực chất. "Theo tôi, trong từ ‘edtech’, yếu tố ‘ed’ (giáo dục) phải đi trước ‘tech’ (công nghệ). ‘Edtech’ sẽ phát triển từ nơi xuất phát của nó, chính là trường học", ông Hiếu nói.

    Theo Cafef.vn

    Bài viết khác
    ĐĂNG KÝ ĐĂNG NHẬP
    Zalo
    Gọi điện