DOANH NHÂN VIỆT NAM VCEO
KIẾN TẠO CƠ HỘI - KẾT NỐI THÀNH CÔNG

Cổ phiếu “họ” Viettel nổi sóng, vốn hóa một doanh nghiệp tăng hơn 31.000 tỷ đồng từ sau Tết

15/04/2022

Bất chấp thị trường quay đầu giảm điểm cuối phiên, 3 cổ phiếu “họ” Viettel là VGI, CTR, VTP vẫn giữ được mức tăng ấn tượng, đều trên 6%.
Mục lục bài viết

    Thị trường chứng khoán bất ngờ quay đầu cuối phiên 14/4 kéo theo một loạt cổ phiếu bị thu hẹp mức tăng đáng kể, thậm chí đảo chiều giảm đỏ. Tuy nhiên, vẫn có những cổ phiếu đứng vững trước sóng gió và duy trì được mức tăng ấn tượng, nổi bật là 3 cái tên "họ" Viettel là VGI, CTR và VTP. Cổ phiếu VGI của Viettel Global là cái tên tăng mạnh nhất nhóm với 7,2% qua đó leo lên mức 40.200 đồng/cổ phiếu, cao nhất trong hơn 1 năm trở lại đây. Với mức thị giá này, vốn hóa thị trường của Viettel Global đã lên đến hơn 122.360 tỷ đồng (~5,3 tỷ USD), tăng hơn 31.000 tỷ đồng từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán.

    Đà bứt phá thời gian gần đây đã đưa Viettel Global trở lại câu lạc bộ 100.000 tỷ đồng vốn hóa. Tính đến hết phiên 14/4, toàn sàn ghi nhận 19 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường trên 100.000 tỷ đồng. Trong đó, UpCOM chỉ có 2 đại diện là ACV và VGI, 17 cái tên còn lại đều là những Bluechips hạng nặng trên sàn HoSE.

    Cổ phiếu “họ” Viettel nổi sóng, vốn hóa một doanh nghiệp tăng hơn 31.000 tỷ đồng từ sau Tết

    Về kết quả kinh doanh năm 2021, Viettel Global ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 19.242 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước (đã hạch toán giảm 1.600 tỷ đồng doanh thu theo quy định mới của Bộ Tài chính). Lợi nhuận gộp đạt hơn 7.300 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lãi gộp trên doanh thu đạt 38%. Sau khi trừ các chi phí, Viettel Global lãi trước thuế 880 tỷ đồng.

    Không chịu kém cạnh, cổ phiếu CTR của Viettel Construction cũng tăng 6,2% lên lập đỉnh lịch sử mới với 116.300 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa thị trường cũng theo đó lập kỷ lục 10.800 tỷ đồng, tăng 36% sau hơn 1 tháng và cao hơn 70% so với thời điểm cách đây 1 năm. CTR là cổ phiếu đầu tiên trong nhóm Viettel chuyển sàn sang HoSE từ ngày 23/2/2022.

    Đà tăng của cổ phiếu được hỗ trợ tích cực đến từ tình hình kinh doanh khởi sắc thời gian qua. Trong quý 1/2022, Viettel Construction ước doanh thu đạt 2.011 tỷ đồng và LNTT ước đạt 111,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 23% so với cùng kỳ. Trong kỳ, công ty đã xây mới 162 trạm BTS, nâng số trạm sở hữu lên 2.583 trạm.

    Năm 2022, Viettel Construction đặt mục tiêu doanh thu 8.586 tỷ đồng, tăng 15% và LNST 414 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện năm 2021. Tỷ lệ cổ tức dự kiến chi trả ở mức 10 - 20%. Công ty định hướng sẽ trở thành Towerco số 1 tại Việt Nam với 4.487 trạm BTS trong năm 2022, tỷ lệ dùng chung đạt 1.05; tiếp tục nâng cao công tác quản trị, hình ảnh thương hiệu và trải nghiệm khách hàng. Doanh nghiệp lên mục tiêu chuyển đổi số đạt 3.8 điểm (theo DDM của TMForum).

    Cổ phiếu “họ” Viettel nổi sóng, vốn hóa một doanh nghiệp tăng hơn 31.000 tỷ đồng từ sau Tết

    Cổ phiếu VTP của Viettel Post chậm hơn đôi chút nhưng vẫn rất khởi sắc khi đóng cửa tăng 6% lên mức 82.000 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm cách đây hơn 1 tháng, thị giá VTP đã tăng gần 27% qua đó đẩy vốn hóa lên xấp xỉ 8.500 tỷ đồng. Dù vậy, mức vốn hóa này vẫn còn kém gần 9% so với mức đỉnh cao Viettel Post từng đạt được vào cuối tháng 7/2021.

    Theo dự phóng của Chứng khoán VCBS, trong năm 2022, Viettel Post có thể đạt 25.349 tỷ đồng doanh thu và 394 tỷ đồng LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ, tương ứng tăng 18,3% và 32,8% so với năm trước. CTCK này cho rằng áp lực sụt giảm đến biên lợi nhuận gộp mảng dịch vụ là không còn nhiều từ năm 2022 và Viettel Post có thể dần khôi phục mức biên lợi nhuận gộp dịch vụ về mức trên 10% trong 2- 3 năm tới.

    Bài viết khác
    ĐĂNG KÝ ĐĂNG NHẬP
    Zalo
    Gọi điện