DOANH NHÂN VIỆT NAM VCEO
KIẾN TẠO CƠ HỘI - KẾT NỐI THÀNH CÔNG

“Chốt” phương án không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021

05/08/2020

9/13 thành viên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia bỏ phiếu chưa tăng lương tối thiểu vùng năm 2021. Trong khi đó, Tổng Liên đoàn Lao động không tham gia bỏ phiếu.
Mục lục bài viết

    Sáng 5/8, Hội đồng Tiền lương Quốc gia tổ chức phiên họp thứ 2 nhằm lấy ý kiến về việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2021. Tại cuộc họp, đa số thành viên của hội đồng bỏ phiếu cho phương án chưa tăng lương tối thiểu vùng từ nay đến hết năm 2021.

    Toàn cảnh phiên họp thứ 2 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia

    Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Văn Thanh - Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, đánh giá sau khi đánh giá ý kiến của các bên, tình hình khó khăn về cơ bản đã được nhận diện. Với tình hình hiện nay, Hội đồng Tiền lương Quốc gia cần tiến hành bỏ phiếu để có ý kiến về những kiến nghị tới Chính phủ.

    "Hai nội dung bỏ phiếu, gồm: Không điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2021 và chưa áp dụng việc tính lương tối thiểu theo giờ. Về việc bỏ phiếu, các bên có quyền được bỏ phiếu hoặc không bỏ là tuỳ theo quyền của mình..." - Thứ trưởng Thanh cho biết.

    Ngay sau đó, Hội đồng Tiền lương đã bỏ phiếu thông qua 2 đề xuất. 

    Ông Thanh cho biết các bên thống nhất chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trước hết, doanh nghiệp đảm bảo chuỗi cung ứng, vật liệu và đặc biệt là các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như châu Mỹ, châu Âu, đã bị ảnh hưởng nặng nề. Điều này cũng ảnh hưởng tới việc làm của người lao động.

    Ông Thanh cũng lý giải việc phải thống nhất phương án về lương tối thiểu vùng ngay tại phiên họp thứ 2 là bởi thời gian đàm phán đã hết. Trong quý III, hội đồng phải báo cáo Chính phủ về phương án lương tối thiểu vùng nên đã quyết định bỏ phiếu vào phiên họp này.

    Trước phương án được Hội đồng Tiền lương Quốc gia đưa ra, 4 thành viên đại diện cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐ) đã không tham gia bỏ phiếu với lý do "phương án trên chưa đáp ứng được nguyện vọng của người lao động".

    Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam), cho biết trước phiên họp này, cơ quan đại diện cho người lao động đã đưa ra 2 phương án là tăng 3,95% và tăng 2,95% so với mức lương hiện hành, áp dụng từ ngày 1/7/2021 và đây cũng là nguyện vọng của người lao động.

    Đáp lại ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết mặc dù 4 đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không bỏ phiếu, với tỷ lệ 9/13 thành viên bỏ phiếu thông qua, việc giữ mức lương tối thiểu từ nay đến hết năm 2021 là hợp lý.Căn cứ vào kết quả phiên họp, quan điểm của Tổng LĐLĐ là tạm thời chưa điều chỉnh lương tối thiểu nhưng chỉ dừng đến ngày 1/7/2021. Đầu năm sau, căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội, Hội đồng Tiền lương Quốc gia có thể cân nhắc về việc điều chỉnh hay không điều chỉnh trong giai đoạn sau.

    Trước đó, sáng 23/6/2020, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã nhóm họp và đề xuất 02 phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2021:

    Phương án 1: Khuyến nghị tiếp tục thực hiện mức lương tối thiểu vùng năm 2020 đến hết năm 2021 (không điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021).

    Phương án 2: Từ 01/7/2021 (lùi 06 tháng so với các năm trước), điều chỉnh bình quân 2,5% để duy trì, đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động (tính trên cơ sở CPI năm 2021 dự kiến 4% trừ phần đã tăng vượt 1,51% của năm 2020).

    Được biết, cơ sở để điều chỉnh tiền lương còn phụ thuộc vào việc khôi phục nền kinh tế, khắc phục hậu quả của Covid-19 và tình hình kinh tế thế giới. Do đó, chưa bàn đến việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2021 mà vẫn tiếp tục thực hiện theo Nghị định 90 năm 2019.

    Điều này đồng nghĩa sẽ tiếp tục duy trì mức lương tối thiểu vùng năm 2020 cho năm 2021. Như vậy, mức tiền lương tối thiểu vùng năm 2021 cụ thể như sau:

    Mức 4,42 triệu đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng I;

    Mức 3,92 triệu đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng II;

    Mức 3,43 triệu đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng III;

    Mức 3,07 triệu đồng/tháng, áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng IV.

    Lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp thỏa thuận, trả lương cho người lao động. Mức lương này áp dụng với người làm việc theo chế độ hợp đồng của Bộ luật Lao động; làm việc trong doanh nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp; hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê lao động. 

    Nguồn: thuongtruong.com.vn

    Bài viết khác
    ĐĂNG KÝ ĐĂNG NHẬP
    Zalo
    Gọi điện