DOANH NHÂN VIỆT NAM VCEO
KIẾN TẠO CƠ HỘI - KẾT NỐI THÀNH CÔNG

Chính thức vận hành Cổng Công khai Ngân sách nhà nước

26/08/2020

Cổng Công khai Ngân sách nhà nước được xây dựng trên cơ sở tham khảo các mô hình tiên tiến trên thế giới và yêu cầu về công khai, minh bạch ngân sách của Việt Nam, từng bước hiện thực hóa mục tiêu của Chính phủ và Bộ Tài chính trong việc cam kết thực hiện công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình trong việc phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực công.
Mục lục bài viết

    Sáng 26/8/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Đại sứ Thụy Sĩ Ivo Sieber, Giám đốc điều hành Danh mục dự án của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Stefanie Stallmeister và Quyền Trưởng ban Hợp tác phát triển thuộc Đại sứ quán Canada Nina Seahra đã bấm nút chính thức vận hành Cổng Công khai Ngân sách Nhà nước (https://ckns.mof.gov.vn/).

    Chính thức vận hành Cổng Công khai Ngân sách nhà nước

    Cổng công khai ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính có 4 chức năng cơ bản: Chức năng tiếp nhận báo cáo;  chức năng tra cứu và khai thác báo cáo; chức năng giám sát hoạt động công khai ngân sách nhà nước; chức năng công khai dữ liệu e-GDDS.

    Cụ thể, Cổng công khai ngân sách nhà nước đã cập nhật toàn bộ dữ liệu lịch sử (từ năm 2004) về công khai ngân sách nhà nước trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ (https://mof.gov.vn) và dữ liệu do Vụ ngân sách nhà nước cung cấp lên Cổng công khai ngân sách nhà nước.

    Đến nay 63/63 địa phương thực hiện gửi báo cáo theo hình thức nhập trực tiếp trên Hệ thống công khai ngân sách nhà nước. Toàn bộ mảng dữ liệu của Bộ Tài chính (nợ công, ngân sách nhà nước, chứng khoán) đều được đưa lên Cổng công khai ngân sách nhà nước, đã thực hiện kết xuất đường link và đã thông báo cho Tổng cục Thống kê, IMF.

    Cổng Công khai Ngân sách nhà nước

    Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, việc xây dựng và đưa vào sử dụng chính thức Cổng công khai ngân sách nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện công khai minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu, các tổ chức trong và ngoài nước tra cứu, khai thác thông tin dữ liệu, giúp tăng cường hoạt động giám sát ngân sách nhà nước của công chúng, nâng cao trách nhiệm giải trình về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước. Thông qua đó, góp phần tăng cường kỷ luật tài khóa, sử dụng có hiệu quả nguồn lực ngân sách nhà nước.

    Đối với Bộ Tài chính, Cổng sẽ giúp quá trình tổng hợp báo cáo công khai ngân sách được thực hiện nhanh và chính xác hơn. Đây còn là công cụ cho phép giám sát quá trình thực hiện công khai của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, công tác báo cáo công khai ngân sách sẽ trở nên đơn giản và thuận tiện hơn.

    Còn đối với người dân, doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu và các tổ chức trong và ngoài nước, đây là một kênh truyền thông cung cấp dữ liệu, thông tin cần thiết để giúp họ nắm bắt các vấn đề liên quan đến tài chính ngân sách quốc gia, qua đó thể hiện sự quan tâm và tăng cường giám sát xã hội. Nhờ đó, sẽ góp phần cải thiện điểm số công khai minh bạch ngân sách quốc gia, công khai ngân sách của các bộ, cơ quan trung ương và công khai ngân sách địa phương.

    Theo bà Stefanie Stallmeister, Giám đốc điều hành Danh mục dự án của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Cổng Công khai ngân sách nhà nước sẽ cải thiện tính công khai, minh bạch và hiệu quả đồng đều của ngân sách, đồng thời góp phần tăng cường quản lý kinh tế vĩ mô, nhận thức về rủi ro và trách nhiệm giải trình trong cung cấp dịch vụ công.

    Ngân hàng Thế giới tin rằng để có thể nắm bắt hoạt động của nhà nước, tiếp cận thông tin là việc quan trọng đối với không chỉ các cấp chính quyền, mà cả mọi người dân và doanh nghiệp.

    Nguồn: thuongtruong.com.vn

    Bài viết khác
    ĐĂNG KÝ ĐĂNG NHẬP
    Zalo
    Gọi điện