DOANH NHÂN VIỆT NAM VCEO
KIẾN TẠO CƠ HỘI - KẾT NỐI THÀNH CÔNG

Việt Nam điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế

02/09/2020

Tuy kết quả thu hút đầu tư nước ngoài vẫn giảm so với cùng kỳ tuy nhiên so với các nước khác trên thế giới, Việt Nam vẫn khẳng định được vị thế của mình trong mắt giới đầu tư quốc tế.
Mục lục bài viết

    Mặc dù ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid -19 nhưng hoạt động sản xuất của các DN FDI vẫn ghi nhận những kết quả khả quan

    Vốn cấp mới và điều chỉnh tăng

    Theo thống kê của Cục Đầu nước ngoài, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tính đến 20/8/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù vốn đăng ký cấp mới và vốn điều chỉnh tăng hơn so với cùng kỳ, song vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức góp vốn mua cổ phần vẫn tiếp tục giảm, làm giảm tổng vốn đầu tư thu hút được trong 8 tháng đầu năm.

    Cụ thể, số liệu thống kê cho thấy đăng ký mới có 1.797 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giảm 25,3% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt 9,73 tỷ USD (tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2019). Vốn đầu tư tăng chủ yếu là do dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD (chiếm 41,1% tổng vốn đăng ký mới).

    Vốn điều chỉnh có 718 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 20,9% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 4,87 tỷ USD (tăng 22,2% so với cùng kỳ). Vốn điều chỉnh trong 8 tháng tăng do có Dự án tổ hợp hoá dầu Miền Nam Việt Nam tại Bà Rịa - Vũng Tàu (Thái Lan) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỷ USD và dự án Khu Trung tâm đô thị tây hồ Tây (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 774 triệu USD.

    Góp vốn, mua cổ phần có 4.804 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 8,2% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp 4,93 tỷ USD (bằng 51,8% so với cùng kỳ). Cơ cấu giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tổng vốn đầu tư cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2019 (từ gần 42% trong 8 tháng năm 2019 xuống 25,2% trong 8 tháng năm 2020).

    Theo nhận định của Cục Đầu tư nước ngoài, việc tái bùng phát dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam trong thời gian qua đã có những tác động, ảnh hưởng nhất định tới doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, thêm nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn. Vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài tiếp tục giảm trong 8 tháng đầu năm, bằng 94,9% so với cùng kỳ.

    Hiện vẫn có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam. Nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án đầu tư nước ngoài tiếp tục bị ảnh hưởng. Số dự án mới, điều chỉnh vốn và cả số lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đều giảm so với cùng kỳ. Tính chung trong 8 tháng, mặc dù vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn tăng lên (tương ứng tăng 6,6% và 22,2%), song vẫn chủ yếu tăng là nhờ các dự án lớn, đã được nộp hồ sơ và đàm phán trong một thời gian dài trước đó. Đồng thời, mức độ tăng cũng đang ngày càng giảm dần.

    Kết quả trên tuy giảm sút so với cùng kỳ, nhưng xét trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì kết quả này tốt hơn nhiều quốc gia khác, thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế.

    Đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh

    Một ví dụ điển hình, Tập đoàn công nghệ đa quốc gia Intel (Mỹ) với nhà máy lắp ráp và kiểm định chip hơn 1 tỉ đô la Mỹ ở TPHCM, lên kế hoạch tiếp tục rót thêm một khoản đầu tư lớn nữa để mở rộng sản xuất ở Việt Nam.

    Bắt đầu dự án xây dựng nhà máy sản xuất ở khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) cách đây 14 năm, Intel đã trở thành công ty công nghệ cao đầu tiên ở Việt Nam có khoản đầu tư trên 1 tỉ đô la.

    Với diện tích 46.000 mét vuông, nhà máy Intel Products Vietnam (IPV) tại Khu công nghệ cao TPHCM trở thành nhà máy lớn nhất trong số các nhà máy kiểm định và lắp ráp của Intel trên toàn cầu. Từ đây, những sản phẩm Intel gắn mác “Made in Vietnam” được xuất xưởng tại IPV cung cấp cho thị trường thế giới.

    Ông Kim Huat Ooi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Intel Products Vietnam (IPV),  cho biết, "Nhà máy IPV tính đến tháng 3 vừa qua đã sản xuất được 2 tỉ sản phẩm, và mỗi giây chúng tôi sản xuất ra được 25 đơn vị sản phẩm các con chip bán dẫn, con chip xử lý trong máy tính và các thiết bị. Hiện nhà máy Intel tại SHTP đang tạo việc làm khoảng 5.000 người lao động có kỹ năng cao.

    "Chúng tôi đã đầu tư hơn 1 tỉ đô la với giá trị kim ngạch xuất khẩu trung bình đạt hơn 3,6 tỉ đô la Mỹ/năm trong vòng 10 năm qua. Chúng tôi đang ở trạng thái chuẩn bị đầu tư thêm một khoản lớn hơn nữa trong những năm tiếp theo. Và với khoản đầu tư mới chuẩn bị vào TPHCM trong thời gian tới, con số giá trị kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng nhiều hơn nữa", ông Kim Huat Ooi chia sẻ

    Theo người đứng đầu Intel Products Vietnam, hoạt động sản xuất của công ty đang khá thuận lợi nhờ nguồn lao động có tay nghề, hạ tầng sản xuất ngày càng tốt và chính sách thu hút đầu tư công nghệ cao thuận lợi để Intel có thể tiếp tục rót vốn đầu tư.

    Dù tác động từ dịch  Covid-19 là vô cùng nặng nề đối với nền kinh tế của nhiều quốc gia, song cán cân thương mại hàng hóa trong 8 tháng đầu năm 2020 tại Việt Nam tiếp tục xuất siêu 10,9 tỷ USD, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 22,6 tỷ USD; khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,6 tỷ USD.

    Theo khảo sát mới nhất về chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) quý II/2020 Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố,  lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu đã đánh giá tích cực hơn về môi trường đầu tư và thương mại của Việt Nam trong vài tháng sau khủng hoảng dịch COVID-19.

    Trong suốt thời kỳ dịch COVID-19, việc hạn chế di chuyển và giãn cách xã hội khiến hoạt động kinh doanh thông thường bị đình trệ. Quý I/2020, chỉ số BCI của EuroCham đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ trước đến nay với 27 điểm phần trăm.

    Tuy nhiên, với hàng loạt biện pháp về kinh tế và y tế công cộng được đánh giá có hiệu quả hàng đầu thế giới của Chính phủ, Việt Nam đã sớm mở lại hoạt đồng đầu tư, kinh doanh. Với xu hướng đó, tâm lý tích cực của các lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu bắt đầu hồi phục trở lại, ghi nhận mức tăng 7 điểm phần trăm từ tháng 2-4/2020, đạt ngưỡng 34%.

    Bên cạnh đó, hơn 25% các doanh nghiệp châu Âu đã được hưởng lợi từ việc hoãn thuế của Chính phủ, trong khi khoảng 20% đã được hưởng lợi từ việc giảm tiền thuê đất và tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội...

    “khảo sát chỉ số BCI lần này là minh chứng thể hiện Việt Nam là một trong những nước thành công trên thế giới về ứng phó với dịch COVID-19. Từ đó, củng cố niềm tin của các lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu”. Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier cho biết.

    Nguồn: thuongtruong.com.vn

    Bài viết khác
    ĐĂNG KÝ ĐĂNG NHẬP
    Zalo
    Gọi điện