DOANH NHÂN VIỆT NAM VCEO
KIẾN TẠO CƠ HỘI - KẾT NỐI THÀNH CÔNG

Phụ nữ trong kỷ nguyên số: Dùng công nghệ kiến tạo tương lai

18/03/2020

Không chỉ đón đầu mà còn tận dụng công nghệ số để phát triển sự nghiệp đã giúp nhiều phụ nữ thành đạt.
Mục lục bài viết

    Trịnh Hồng Giang: Dùng công nghệ quảng bá sản phẩm truyền thống

    Trịnh Hồng Giang sinh ra trong gia đình có nghề làm bánh. Bà và mẹ chị là những người lưu giữ bí quyết làm các loại bánh cổ truyền Hà Nội. Năm 2006, gia đình chị mở tiệm bánh Gia Trịnh với định hướng bánh Âu. Tuy nhiên, khó khăn trong việc cạnh tranh trên thị trường, tiệm bánh gần như trên bờ vực phá sản.

    Chị Giang cùng mẹ quyết tâm vực lại doanh nghiệp gia đình bằng cách chọn hướng phát triển các loại bánh truyền thống với mong muốn gìn giữ và phát triển nghề làm bánh gia truyền, và mong những giá trị cổ truyền sẽ được lan tỏa tới thế hệ sau. 

    Tuy nhiên, tìm đầu ra cho bánh truyền thống không phải dễ, bởi những loại bánh này không còn phổ biến trong thời đại hiện nay và hầu như chỉ có người già mới biết đến. Chị Giang trăn trở làm sao để mang những giá trị truyền thống này tới giới trẻ và để ngày càng nhiều bạn biết đến cũng như ưa thích những loại bánh có từ lâu đời của người Việt.

    Nhận thấy hầu hết người trẻ ở Việt Nam đều dùng mạng xã hội, chị Giang đã quyết định sử dụng Facebook và Instagram để tiếp cận khách hàng. Tham gia vào chương trình "Phụ nữ là doanh nhân" của Facebook, chị đã học hỏi được cách xây dựng trang Facebook Bánh Gia Trịnh, ứng dụng các tính năng hữu ích như bài đăng giới thiệu sản phẩm, tương tác tìm hiểu thị hiếu khách hàng và sử dụng tính năng Messenger trong bán hàng.

    Giờ đây, trang Facebook Bánh Gia Trịnh đã thu hút được trên 43.000 người theo dõi. Với chị, Facebook tạo sân chơi công bằng cho doanh nghiệp nhỏ khi tiếp cận khách hàng. Và quan trọng nhất, ngày càng nhiều bạn trẻ ưa thích các loại bánh truyền thống của Gia Trịnh và sử dụng nó như những món quà tặng ấm cúng hay trong những dịp trọng đại. Với chị Giang, mạng xã hội chính là cầu nối giúp chị kết nối các giá trị truyền thống với tương lai.

    MisThy: Nữ streamer đam mê nhiều lĩnh vực

    Vốn là sinh viên ngân hàng, MisThy quyết định từ bỏ ngành đã học để chọn game làm sự nghiệp. Đây là một quyết định táo bạo, bởi 4 năm trước, streamer còn là một nghề vô cùng mới ở Việt Nam. Nhắc đến streamer (người phát sóng và bình luận trực tiếp trò chơi điện tử qua mạng), nhiều người nghĩ đó chỉ là một sở thích nhất thời, không ổn định, không được thiện cảm, nhất là nữ giới.

    Nhưng như Misthy chia sẻ: "Tôi rất thích công việc này, giống như nó sinh ra là để dành cho mình, vậy nên không có 'plan B' (kế hoạch dự phòng). Thế là quyết tâm tới cùng luôn".

    Xác định đây là sự nghiệp, cô gái trẻ đã chứng minh cho mọi người thấy sự lựa chọn ấy là đúng. Và cô đã làm việc một cách chăm chỉ, nghiêm túc. Cô không ngừng trau dồi kiến thức để luôn tạo sự mới mẻ, đa dạng trong sản phẩm của mình. 

    Cô cũng không ngại thử thách ở những vai trò mới, như tham gia MV ca nhạc, tạo ra những chương trình đa dạng, như MisThy’s got talent, Dr. MisThy, 80FM, Sân si cùng Misthy, Thy ơi Mày đi đâu đấy... hay tham gia các phim ngắn Tuổi trẻ bá đạo, Bông hay trái...

    Với Misthy, việc đa dạng hóa hình ảnh, đa dạng hóa vai trò, đa dạng hóa nội dung không chỉ thể hiện thái độ nghiêm túc trong công việc mà còn là sự tôn trọng tình cảm người hâm mộ dành cho mình.

    Bằng sự nỗ lực, cô đã gặt hái được những thành công đáng kể và giành được sự yêu mến của khán giả. Trong năm qua, từ khi tham gia cộng đồng Facebook Gaming, cô nhận được sự đào tạo và hỗ trợ từ Facebook, đặc biệt có cơ hội được giao lưu, học hỏi cùng các streamer quốc tế. Gia nhập Facebook Gaming, hiện Facebook của MisThy có tới 3,6 triệu người theo dõi - một con số đáng mơ ước với bất kỳ streamer nào.

    Lea Trúc: Nữ lập trình viên truyền cảm hứng khởi nghiệp 

    Là sinh viên chuyên ngành mỹ thuật tại Mỹ nhưng Lea Trúc lại ưa thích công nghệ và lập trình. Cô nhìn thấy tiềm năng và cơ hội lớn trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam. Tuy nhiên, cô nhận thấy trong suy nghĩ của đa số người Việt, lập trình luôn được xem là một ngành khó, chỉ phù hợp với nam giới. Số lượng nữ lập trình viên ở Việt Nam rất ít, thậm chí có những hội thảo chuyên ngành mà cô là phụ nữ duy nhất tham gia.

    Đó là lý do cô lập nên Cat Can Code - một tổ chức giáo dục với sứ mệnh giúp người trẻ ở Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ và người dân tộc thiểu số có thể tiếp cận và hiểu về lập trình, từ đó theo đuổi ước mơ và phát triển sự nghiệp. Theo Lea, lập trình không phân biệt giới tính. Đây là một ngành đầy thử thách nhưng cũng mang đến vô vàn cơ hội. "Nếu dám thử thách bản thân, đi theo con đường mới, với tất cả nỗ lực, bạn sẽ thành công. Lea đã làm được, chắc chắn những người phụ nữ khác cũng làm được", Lea chia sẻ.

    Khi mới thành lập Cat Can Code, Lea gặp không ít khó khăn trong việc xây dựng chương trình học phù hợp, và làm sao để Cat Can Code có thể tiếp cận cộng đồng. Nhờ tham gia Developer Circles của Facebook, cô đã được tiếp cận mạng lưới của một số chuyên gia lập trình và thành viên của Facebook, từ đó xây dựng giáo trình phù hợp với cộng đồng Cat Can Code. Chính các thành viên đã giúp lan tỏa thông tin về Cat Can Code đến nhiều người.

    Cho đến hiện tại, Cat Can Code đã đào tạo được hơn 1.000 học viên, trong số đó đa phần là nữ. Và điều đáng nói là nhiều bạn nữ đã được truyền cảm hứng để theo đuổi sự nghiệp lập trình và công nghệ.

    Nguồn: doanhnhansaigon

    Bài viết khác
    ĐĂNG KÝ ĐĂNG NHẬP
    Zalo
    Gọi điện