DOANH NHÂN VIỆT NAM VCEO
KIẾN TẠO CƠ HỘI - KẾT NỐI THÀNH CÔNG

Khi tâm huyết trở thành "vòng kim cô"

08/01/2018

Không phải ai cũng dễ dàng từ bỏ quyền kiểm soát với một sự nghiệp mà mình đã tốn bao công sức và thời gian để gây dựng nên.
Mục lục bài viết

    Những nhà sáng lập công ty thường rất tâm huyết, họ không quản ngại đầu tư thời gian, tài năng và tiền bạc vào những “cuộc phiêu lưu” của riêng mình. Theo đó, đa số mơ ước rằng mình sẽ lãnh đạo và đưa công ty vươn tới những đỉnh cao.

    Tuy nhiên, có một sự thực khắc nghiệt là chỉ có một số nhỏ những vị giám đốc sáng lập đủ kỹ năng và kinh nghiệm cần có để bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển cũng như bảo toàn được vốn của cổ đông qua giai đoạn đầu khởi nghiệp.

    Khi doanh nghiệp đạt được những bước vững chắc đầu tiên trên thị trường nó sẽ cần một nhà lãnh đạo có tư duy tổng hợp, khả năng điều phối và xây dựng đội ngũ khác hơn nhiều so với những ngày đầu khởi nghiệp.

    Khó rời ghế lãnh đạo

    Quan niệm rằng giám đốc sáng lập cần phải giữ cương vị lãnh đạo lâu dài trong công ty có lẽ xuất phát từ những câu chuyện, những giai thoại được báo chí, sách vở, truyền thông nói tới rất nhiều như Bill Gates, Steve Jobs, Jack Ma...

    Điều đáng tiếc là các kết quả nghiên cứu đã “lạnh lùng” chỉ ra rằng họ chỉ là những trường hợp thành công cá biệt, cách làm của họ không hẳn sẽ thành công nếu nhân rộng ra. Nói cách khác, họ là những thành công mang tính “ngoại lệ” hơn là “quy luật”.

    Nghiên cứu của Noam Wasserman (Harvard Business School) với 10.000 giám đốc sáng lập, hơn 3.000 doanh nghiệp startup tại Mỹ cho thấy:

    - Ít có giám đốc sáng lập nào trực tiếp điều hành công ty lâu dài. Thực tế thì chưa đến 50% trong số họ giữ ghế điều hành quá 3 năm.

    - Chưa đến 25% CEO của các công ty được IPO là người sáng lập công ty đó.

    - Khi một giám đốc sáng lập rời ghế điều hành thì thị giá của công ty đó thường tăng lên.

    Rõ ràng kết quả nghiên cứu cho thấy quan niệm cho rằng giám đốc sáng lập là người tốt nhất để đưa một doanh nghiệp từ số không tới đỉnh cao không được chính xác cho lắm vì nó mang tính ngoại lệ hơn là quy luật.

    Hiện tượng các giám đốc sáng lập công ty startup sau khi đạt những thành tích bước đầu khả quan không muốn rời cương vị của mình là hiện tượng rất bình thường và phổ biến dù rằng thực tế cho thấy chỉ có rất ít trong số họ có đúng và đủ phẩm chất cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

    Trong 80% các vị giám đốc sáng lập không muốn từ bỏ quyền kiểm soát (theo thống kê của Noam Wasseman) thì nhiều vị đã vấp phải những sai lầm khá nặng khi phải đương đầu với sự phát triển của doanh nghiệp, dẫn tới những hậu quả khôn lường. Vậy tại sao những người sáng lập lại không muốn rời chiếc ghế cao nhất trong công ty?

    Hội chứng người sáng lập

    Ngại thay đổi là điểm then chốt khiến các giám đốc sáng lập không đủ bản lĩnh để rời ghế. Không muốn thay đổi đã khiến họ không đủ dũng khí chấp nhận mất quyền kiểm soát công việc hàng ngày của công ty.

    Tâm huyết là yếu tố gắn chặt họ vào cái “vòng kim cô” có tên “lòng trung thành” với công ty từ ngày khởi nghiệp. Chính cái tâm huyết đáng quý đó sẽ trở thành điểm yếu chết người của nhà sáng lập nếu họ không tự trau dồi kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp.

    Khuynh hướng tự nhiên chủ nghĩa có thể dẫn người giám đốc sáng lập đi tới chỗ nhìn đời qua cặp kính màu hồng. Họ thường đánh giá quá cao cơ hội thành công và bám quá chặt vào những ý tưởng - mà đúng ra chỉ là sự tưởng tượng - thậm chí là ảo tưởng vào khả năng và tri thức của mình. Theo đó, họ thường đánh giá thấp đối thủ, không hiểu kỹ càng và đầy đủ các yêu cầu về nguồn lực để rồi thất bại trong các phán đoán và kế hoạch, đặc biệt là trong những tình huống gay cấn mà họ phải đối mặt.

    Một nghiên cứu của A. Cooper và các đồng sự tại trường Đại học Purdue (Indiana, Mỹ) với 3.000 giám đốc sáng lập cách nay gần 30 năm đã cho ra những kết quả rất đáng lưu tâm.

    - Với câu hỏi bạn nghĩ gì về cơ hội thành công với doanh nghiệp hiện tại của mình thì những người được hỏi tự cho mình có tới 81% cơ hội thành công.

    - Với câu tiếp theo là bạn đánh giá ra sao về cơ hội thành công của các doanh nghiệp đối thủ, thì kết quả thu về là 59%.

    Các kết quả trả lời cho thấy nhược điểm cố hữu của các vị giám đốc sáng lập là sự nhìn nhận thiên lệch.

    Thực tế hiện nay cho thấy rất nhiều giám đốc sáng lập đang trăn trở, vật lộn với những mâu thuẫn nội tâm.

    Một người sáng lập thông minh phải là người biết tối ưu hóa những tiềm năng và giá trị của công ty; phải hiểu được rằng luôn có sự đánh đổi giữa việc tạo ra giá trị thị trường và việc giữ quyền kiểm soát công ty. Điều đáng tiếc là nhiều người đã không nhận ra điều này nên cố gắng đạt cả hai mục tiêu và thường là thất bại cả hai.

    (Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)

    Bài viết khác
    ĐĂNG KÝ ĐĂNG NHẬP
    Zalo
    Gọi điện