DOANH NHÂN VIỆT NAM VCEO
KIẾN TẠO CƠ HỘI - KẾT NỐI THÀNH CÔNG

Việt Nam và Mexico sẽ trở thành những thế lực mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu

17/08/2020

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19 đã gây ra những thay đổi lớn đến dòng chảy của vốn đầu tư. Trong bối cảnh đó, Việt Nam và Mexico, với những thế mạnh riêng, sẽ trở thành 2 quốc gia nắm giữ vai trò chủ chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mục lục bài viết

    Trung Quốc vốn được coi là điểm đến hàng đầu của dòng tiền đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia (MNCs) lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, những căng thẳng từ cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ và sau đó là sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã đẩy dòng vốn đầu tư rời khỏi quốc gia này.

    Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia đã đặt chiến lược thu hút dòng vốn chất lượng cao từ Trung Quốc để chớp lấy cơ hội phục hồi và phát triển nền kinh tế. Trong danh sách những “ứng cử viên”, Việt Nam và Mexico nổi lên như những ngôi sao về khả năng hấp thụ vốn với những ưu điểm của riêng mình.

    Tiềm năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI)

    Bà Euijin Jung, chuyên gia đến từ Viện Kinh tế quốc tế Peterson cho biết, cả Việt Nam và Mexico đều sở hữu những ưu điểm hấp dẫn các nhà đầu tư tương tự với Trung Quốc, cụ thể là về giá nhân công, tài nguyên thiên nhiên, quy mô thị trường, các ưu đãi về chính sách và thuế quan.

    Theo đó, chi phí nhân công ở Việt Nam và Mexico lần lượt rơi vào khoảng 2,99 và 4,82 USD mỗi giờ (số liệu năm 2020). Con số này thấp hơn so với chi phí nhân công trung bình ở Trung Quốc là khoảng 6,5 đô la. Như vậy, Việt Nam hoàn toàn là điểm đến lý tưởng cho những nhà máy sản xuất, gia công, còn các nhà đầu tư với mô hình tự động hóa hiện đại hơn có thể cân nhắc Mexico cho nhà máy tiếp theo.

    Cả hai quốc gia đều sở hữu nhiều hiệp định tự do thương mại với các nền kinh tế lớn trên thế giới. Cụ thể, Mexico đã ký kết Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ NAFTA (1994), thay thế bằng Hiệp định tự do thương mại Mỹ - Canada – Mexico USMCA (2020); Hiệp định tự do thương mại Mexico – EU (2000); hiệp định Tự do thương mại Mexico – Nhật Bản (2005).

    Việt Nam sở hữu những ký kết về tự do thương mại (cả trong vai trò là thành viên của ASEAN) với Nhật Bản (2009), Hàn Quốc (2015) và mới đây là hiệp định tự do thương mại với EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020.

    Các nhà đầu tư từ Hàn Quốc và Liên minh Châu Âu EU đã bày tỏ thái độ hết sức lạc quan về những lợi ích có thể đạt được khi EVFTA bắt đầu đi vào hiệu lực

    Các hiệp định được ký kết gần đây (các FTA thế hệ mới) đem lại cho Việt Nam lợi thế về những quy định cụ thể, rõ ràng và bao trùm nhiều khía cạnh trong thương mại. Mới đây các nhà đầu tư từ Hàn Quốc và Liên minh Châu Âu EU đã bày tỏ thái độ hết sức lạc quan về những lợi ích có thể đạt được khi EVFTA bắt đầu đi vào hiệu lực.

    Thành công trong công tác ứng phó với đại dịch Covid-19 cũng đang chứng tỏ tính ổn định và sức đề kháng của thị trường và nền kinh tế Việt Nam, đưa chúng ta trở nên sáng giá hơn so với các quốc gia như Indonesia hay Ấn Độ.

    Đón sóng đầu tư rời Trung Quốc: những vấn đề đặt ra cho Việt Nam

    Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam xếp thứ 70 về Chỉ số thuận lợi kinh doanh (EBDI), thấp hơn so với Trung Quốc ở vị trí thứ 31. Lý giải cho điều này, các chuyên gia của Viện Kinh tế Peterson nhận định cơ sở hạ tầng Việt Nam, bao gồm hệ thống cảng biển, đường sắt, đường bộ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

    Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính hải quan, thủ tục đăng ký kinh doanh cần được hợp lý hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trên thị trường, cùng với việc nâng cao trình độ tay nghề của người lao động thông qua đầu tư vào giáo dục đào tạo.

    Đại dịch Covid-19 cũng gây ra những trở ngại nhất định trong quá trình thu hút vốn đầu tư. Các biện pháp ngăn ngừa sự lây nhiễm của vi rút đang được tiến hành rất thành công, nhưng cũng khiến nền kinh tế bị suy giảm và trở nên ảm đạm.

    Chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng ở nhiều nước phát triển như Mỹ, Nhật Bán, Châu Âu, Hàn Quốc… có nguy cơ gây ra sự méo mó về thương mại quốc tế, đặc biệt ngày càng có xu hướng gia tăng do tác động của Covid-19 và tâm lý thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

    Trước tình hình đó, bà Jung cho rằng Việt Nam nên tiếp tục xây dựng chính sách mở cửa thương mại, tích cực đàm phán tạo điều kiện cho xuất khẩu để tránh chiến lược đưa sản xuất quay về quốc nội (reshoring) của các nền kinh tế phát triển.

    Nguồn: theleader.vn

    Bài viết khác
    ĐĂNG KÝ ĐĂNG NHẬP
    Zalo
    Gọi điện