DOANH NHÂN VIỆT NAM VCEO
KIẾN TẠO CƠ HỘI - KẾT NỐI THÀNH CÔNG

Hà Nội đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư hệ thống nhà chờ xe buýt tại khu vực ngoại thành

10/08/2020

Nhằm tăng khả năng tiếp cận của hành khách, nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng xe buýt, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) vừa có thông báo mời các đơn vị có nhu cầu và khả năng hợp tác cùng Tổng công ty triển khai đầu tư hệ thống nhà chờ xe buýt trên địa bàn các huyện ngoại thành và thị xã Sơn Tây.
Mục lục bài viết

    Kêu gọi nhà đầu tư làm khoảng 310 nhà chờ xe buýt ngoại thành

    Theo đó, Hà Nội sẽ xây dựng, lắp mới khoảng 310 nhà chờ xe buýt với thiết kế đồng bộ, đáp ứng yêu cầu về mỹ quan, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; có hệ thống nguồn điện năng lượng Mặt trời trên mái...

    Các bên sẽ thuê thiết kế, lựa chọn các mẫu thiết kế phù hợp để báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Thời gian hoạt động của dự án, khai thác quảng cáo hai bên sẽ thỏa thuận và xác định cụ thể trên cơ sở báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt.

    Hà Nội kêu gọi nhà đầu tư xây dựng khoảng 310 nhà chờ xe buýt ngoại thành.

    Về phương án tài chính, nhà đầu tư tự bỏ 100% kinh phí để đầu tư xây dựng, vận hành khai thác và duy tu bảo trì, bảo dưỡng toàn bộ các hạng mục công trình. Để hoàn vốn, nhà đầu tư được phép kinh doanh quảng cáo trên các nhà chờ đã đầu tư (ngoại trừ phần diện tích phục vụ thông tin hoạt động xe buýt).

    Phía Hà Nội yêu cầu đơn vị hợp tác đầu tư phải đảm bảo năng lực tài chính để thực hiện dự án đầu tư (có bảo lãnh của ngân hàng); ưu tiên đơn vị có kinh nghiệm đầu tư khai thác quảng cáo trên các hệ thống hạ tầng giao thông công cộng.

    Trước đó, theo khảo sát của Sở Giao thông Vận tải, hiện có 71 tuyến xe buýt đi qua khu vực các huyện và thị xã Sơn Tây (chiếm tỷ lệ 57% tổng chiều dài mạng lưới của thành phố), với 2.127 điểm dừng, trong đó có 23 điểm dừng có nhà chờ. Cự ly bình quân giữa các điểm dừng ở khu vực ngoại thành khoảng 900m.

    Về vị trí, nhà chờ được lựa chọn phải bảo đảm cự ly khoảng cách giữa các điểm đón trả khách; khu vực tập trung đông người tham gia dịch vụ; có đủ điều kiện mặt bằng để lắp đặt; thuận lợi cho người đi bộ tiếp cận nhà chờ và không ảnh hưởng đến các công trình kế cận.

    Sở Giao thông Vận tải đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố giao Tổng công ty Vận tải Hà Nội tổ chức nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng nhà chờ trên cơ sở 307 vị trí đã được đề xuất và tổ chức quản lý sau đầu tư theo đúng chỉ đạo của thành phố.

    Tiếp tục thu hút người dân đi xe buýt

    Với việc mở rộng luồng tuyến và “phủ sóng” mạng lưới tất cả các quận huyện, đầu tư phương tiện mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, xe buýt Hà Nội đã có sự “lột xác” lớn về chất và lượng.

    Trong những năm gần đây, sản lượng xe buýt liên tục tăng, tuy nhiên tỷ lệ người dân sử dụng xe buýt ở Hà Nội còn khá khiêm tốn dù rằng mức trợ giá vé xe buýt cho người dân vẫn được thành phố thực hiện và có xu hướng tăng thêm thời gian tới.

    Theo thống kê của Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Tramoc-Sở Giao thông Vận tải Hà Nội), tính đến năm 2019, Hà Nội có 127 tuyến buýt; số lượng phương tiện đầu tư, đổi mới thay thế là 1.121 xe (tuổi đời bình quân phương tiện chỉ là 3,6 năm); phủ kín 100% tới 30 quận, huyện, thị xã (trong đó có 452/579 xã, phường đã tiếp cận được xe buýt, chiếm tỷ lệ 78,1%). Về sản lượng khách, nếu như năm 2016 là 432 triệu khách thì đến năm 2019, con số này đã lên 482 triệu khách.

    Để nâng cao chất lượng vận hành, khai thác cho xe buýt, ông Thông đưa ra giải pháp ít tốn kém nhất hiện nay là thiết lập đường ưu tiên, làn đường riêng cho vận tải hành khách công cộng.

    Nhằm đẩy mạnh tỷ lệ khách chọn xe buýt làm phương tiện đi lại, các đô thị trên thế giới đều phải tiến hành trợ giá vé xe buýt cho người dân. Và Hà Nội cũng không nằm ngoại lệ.

    Ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội tiết lộ con số bình quân trợ giá buýt của thành phố giai đoạn 2015-2019 mỗi năm là 1.300 tỷ đồng. Do đó, giá vé buýt hiện nay là quá rẻ.

    Từ năm 2014 đến nay, giá vé buýt dao động khung từ 7.000-8.000-9.000 trong khi cự ly tuyến khác hiện giờ (tuyến 30km rất ít). Hiện tại, tuyến buýt trên 40-60km rất nhiều nên hành khách sẽ rất có lợi mặc dù nếu tăng lên 15.000 đồng/lượt khách vẫn đi.

    Để tăng tuyến phục vụ dân và phù hợp với đề án giảm phương tiện xe cá nhân, đề án phát triển vận tải hành khách công cộng của thành phố nâng cao tỷ lệ hành khách sử dụng phương tiện vận tải công cộng từ 17% lên tới 30%, theo ông Phương, từ những năm 2020 trở đi, mức trợ giá buýt dự kiến khoảng trung bình 2.000 tỷ đồng/năm và năm 2025 sẽ rơi khoảng 2.700 tỷ đồng.

    Nguồn: thuongtruong.com.vn

    Bài viết khác
    ĐĂNG KÝ ĐĂNG NHẬP
    Zalo
    Gọi điện