DOANH NHÂN VIỆT NAM VCEO
KIẾN TẠO CƠ HỘI - KẾT NỐI THÀNH CÔNG

Chợ Bến Thành tiêu điều trong đại dịch

15/08/2020

Do dịch Covid-19 kéo dài và tái bùng phát ở nhiều nơi, không có du khách quốc tế đến Việt Nam, khiến chợ Bến Thành lâm vào cảnh đìu hiu, vắng vẻ chưa từng thấy.
Mục lục bài viết

    Chợ Bến Thành là địa điểm du lịch nổi tiếng với hàng ngàn du khách tới tham quan, mua sắm mỗi ngày.

    Chợ Bến Thành có tuổi đời 106 năm (khánh thành năm 1914) với tháp chuông đặc trưng, là biểu tượng của Sài Gòn trước đây và thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.

    Tọa lạc ở ngay trung tâm quận 1, vị trí đẹp nhất của thành phố Hồ Chí Minh với diện tích khoảng 13.000m2 và hơn 1.000 sạp hàng. Trải qua những thăng trầm đổi thay, chợ Bến Thành vẫn là khu chợ sầm uất và nhộn nhịp.

    Không chỉ là một khu chợ kinh doanh, chợ Bến Thành còn là điểm đến du lịch nổi tiếng. Trước đây, mỗi ngày có hàng ngàn du khách quốc tế, Việt kiều và khách từ các tỉnh đến tham quan, mua sắm. Các ngành hàng kinh doanh chủ yếu tại chợ như: quần áo, vải sợi, hàng thời trang, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm tươi sống…

    Từ đầu tháng 4/2020, khi Chính phủ yêu cầu dừng các chuyến bay thương mại quốc tế và giãn cách xã hội, chợ Bến Thành đã mất đi một lượng lớn khách đến tham quan và mua sắm. Sau khi nhà nước gỡ bỏ giãn cách xã hội, khách du lịch ở các tỉnh đến mua sắm ở chợ, hoạt động của chợ có chút khởi sắc.

    Nhưng khi dịch tái bùng phát lần hai, người dân e ngại di chuyển và du lịch, chợ Bến Thành càng rơi vào tình trạng ế ẩm, tiêu điều với hơn 60% sạp đóng cửa, khung cảnh chưa từng có trong lịch sử của chợ. Những hình ảnh dưới đây ghi nhận về chợ Bến Thành trong giai đoạn khó khăn này.

    Tại các cửa vào chợ không khí khá đìu hiu. Các biện pháp phòng chống dịch được ban quản lý chợ thực hiện như: đặt cồn rửa tay sát khuẩn tại các cổng ra vào, yêu cầu người dân và du khách đeo khẩu trang, nhân viên ban quản lý túc trực để đo thân nhiệt khách vào chợ.

    Tại cửa Tây, cồn sát khuẩn và máy đo thân nhiệt tự động được đặt tại lối ra vào để kiểm soát và đảm bảo an toàn trong mùa dịch.

    Phía bên ngoài chợ vắng lặng, không còn hình ảnh xe cộ nhộn nhịp như mọi khi, hàng loạt kiot vòng ngoài chợ đóng của im lìm.

    Cửa Bắc chợ Bến Thành hướng ra đường Lê Thánh Tôn, nhiều sạp hàng mặt tiền cửa đóng then cài, tạm ngưng hoạt động.

    Chỉ một số cửa hàng hoa và trái cây mở cửa, vỉa hè và những con đường xung quanh chợ thường ngày tấp nập khách qua lại nhưng nay thưa thớt.

    Khu ẩm thực vốn nổi tiếng với nhiều món ngon hấp dẫn khắp ba miền, là nơi đông đúc nhất trong chợ thì giờ đây cũng đóng cửa gần hết. Các sạp còn mở chủ yếu phục vụ chị em tiểu thương và khách mua mang về, mối bưng đi và khách ngồi tại chỗ đều giảm.

    Không còn cảnh đông đúc như mọi khi (ảnh tư liệu)

    Nhiều gian hàng ăn uống đóng cửa, bàn ghế xếp chồng, quầy hàng phủ kín phông bạt.

    Anh Minh Đức, chủ sạp Bé Chè cho biết: hai thế hệ trong gia đình anh đều kinh doanh tại chợ từ năm 1968 đến nay, trước đây có khi khách đông không đủ chỗ ngồi, nhưng giờ thì không có khách.

    Kế đó vài sạp, chủ sạp bánh bèo Huế cũng than thở: gia đình anh buôn bán tại đây đã hơn 30 năm, trước kia mỗi ngày bán đến 100 lít nước mắm nhưng giờ chỉ bán được khoảng một phần ba.

    Do tâm lý e ngại dịch bệnh, lượng khách lui tới ăn uống giảm mạnh, chủ yếu khách đến mua mang đi và đặt hàng giao tận nơi, nhưng số lượng cũng không đáng kể.

    Từ đầu mùa dịch đến giờ, khu vực bán thực phẩm tươi sống không phải đóng cửa ngày nào, nhưng cũng chỉ có một số người dân ở gần đi chợ mua đồ ăn hằng ngày như cá thịt, rau quả…vào buổi sáng rồi vắng dần.

    Tầm giờ trưa, khu thực phẩm tươi sống càng ảm đạm hơn, nhiều sạp hàng phải đóng cửa vì không có khách

    Khu vực bánh kẹo và đồ khô chỉ còn một vài quầy mở cửa, tiểu thương xếp ghế ngồi chờ khách

    Hàng vải, quần áo, thời trang là một trong số các ngành hàng ế ẩm nhất tại chợ. Một số tiểu thương cho biết, có khi bốn-năm ngày họ chưa mở hàng, sáng ra mở sạp rồi ngồi chơi đến chiều, nhưng tiền thuế, hoa chi và tiền thuê nhân viên vẫn phải trả đủ.

    Khu vực bán hàng vòng ngoài của Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Bến Thành vắng bóng khách, chỉ có nhân viên bán hàng với nhau

    Nhiều sạp hàng giày dép, balo, túi xách nằm ngay lối đi chính, vốn rất hút khách và kinh doanh tốt cũng phải đóng cửa, các sạp còn mở thì tận dụng không gian trống bên cạnh để hàng hóa.

    Trước đây các lối đi luôn đông đúc, chật cứng người tham quan, mua sắm (ảnh tư liệu)

    Giờ vắng tanh, đứng từ đầu chợ có thể nhìn thấy cuối chợ

    Chợ Bến Thành rơi vào tình cảnh người bán nhiều hơn người mua. Những người bán hàng, nếu không ngồi chuyện trò với nhau thì cũng mỗi người một góc ngồi bấm điện thoại giết thời gian

    Càng đi sâu vào bên trong chợ thì cảnh tượng sạp đóng nhiều hơn sạp mở. Thậm chí, ở nhiều khu vực, tiểu thương đồng loạt đóng cửa vì tình hình kinh doanh quá ế ẩm.

    Hàng loạt sạp treo biển cho thuê, sang nhượng do không thể cầm cự

    Khu vực bán hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ vốn là nơi đông đúc, nhộp nhịp du khách tham quan mua sắm thì giờ đây cửa đóng im lìm, vắng lặng chưa từng có. Các tiểu thương có sạp hàng thủ công mỹ nghệ coi như trắng tay vì từ trước đến nay chủ yếu bán cho khách nước ngoài.

    Trước đây, thời gian sau Tết và hè thường là thời điểm bán chạy nhất vì nhiều khách du lịch, nhất là khách nước ngoài (ảnh tư liệu).

    Giờ đây, khung cảnh cửa đóng then cài, bạt phủ quầy sạp là tình trạng chung của hầu hết các sạp hàng lưu niệm và thủ công mỹ nghệ

    Trong khi tiểu thương chợ Bến Thành điêu đứng vì dịch thì các con đường xung quanh chợ cũng trong tình cảnh vắng vẻ, đìu hiu.

    Đường Nguyễn An Ninh nằm ở cửa Tây chợ Bến Thành được nhiều người biết đến là khu buôn bán, ăn uống sầm uất dành cho khách du lịch Malaysia, Indonesia, Ấn Độ…cũng không còn hoạt động như trước.

    Nhiều hộ kinh doanh phải đóng cửa, trả mặt bằng do không còn đủ vốn kinh doanh

    Các tiểu thương buôn bán ở chợ Bến Thành và khu vực xung quanh, không ai nghĩ có ngày sẽ phải đóng cửa hàng loạt. Khi dịch bệnh xảy ra và tái bùng phát, khiến việc kinh doanh ngày càng ảm đạm hơn.

    Thu nhập không đủ tiền để trả chi phí thuê sạp, thuế, phí quản lý, tiền điện nước, thuê nhân viên, chưa kể chi phí sinh hoạt mỗi ngày. Các tiểu thương đều không biết đến khi nào việc kinh doanh mới trở lại như trước và các văn bản đề nghị giảm, giãn thuế đã gửi vẫn đang chờ phản hồi của các cơ quan chức năng.

    Nguồn: theleader.vn

    Bài viết khác
    ĐĂNG KÝ ĐĂNG NHẬP
    Zalo
    Gọi điện