DOANH NHÂN VIỆT NAM VCEO
KIẾN TẠO CƠ HỘI - KẾT NỐI THÀNH CÔNG

Ai đứng sau cà phê Ông Bầu?

09/07/2020

Không chọn vị trí đất vàng, không diện tích lớn, không đầu tư quá nhiều tiền cho mỗi cửa hàng mà chỉ là tên tuổi của hai ông Bầu, liệu "Ông Bầu" có làm nên chuyện khi chuỗi cà phê đang cạnh tranh khốc liệt?
Mục lục bài viết

    Không từ bỏ thị trường

    Thị trường cà phê chuỗi được đánh gía là cuộc chơi khốc liệt khi có không ít thương hiệu bước vào lại nhanh chóng thoái lui. Song, sức hút của thị trường gần một trăm triệu dân với lợi thế dân số trẻ và yêu thích cà phê vẫn là thị trường hấp dẫn, để kẻ ra lại có người vào.

    Theo một bản báo cáo do Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor công bố hồi cuối năm ngoái, thị trường chuỗi cà phê và trà Việt Nam có quy mô khoảng 1 tỉ đô la Mỹ/năm. Trong đó, 5 chuỗi cà phê lớn nhất chiếm 15,3 % thị phần, gồm Highlands Coffee, Starbucks, The Cofee House, Phúc Long và Trung Nguyên. Như vậy, 85% còn lại đủ lớn để các thương hiệu khác vẫn thấy đủ sức hút để gia nhập sân chơi.

    Xuan-Truong-pha-ca-phe-va-tang-8185-9836

    Cầu thủ Xuân Trường pha cà phê cho khách

     

    Năm 2005, Vinamilk từng tham vọng bước chân vào lĩnh vực sản xuất cà phê với thương hiệu Moment và đã mạnh tay chi 2 triệu USD cho việc sử dụng hình ảnh của Arsenal để quảng cáo nhưng thành công cũng không như ý và phải bán nhà máy cho Trung Nguyên.

    Gác lại  giấc mơ cà phê, mới đây, tại đại hội cổ đông năm 2020, đại diện Vinamilk cho biết Công ty đang triển khai dự án mở chuỗi cà phê Hi-Café. Để thực hiện kế hoạch này, năm 2019, Công ty đã mở một cửa hàng tại quận 7, TP.HCM để thử nghiệm và đánh giá hiệu quả nên năm 2020 và các năm kế tiếp, Vinamilk dự kiến sẽ phát triển mở rộng chuỗi Hi-Café tại nhiều địa điểm khác nhau và trực tiếp triển khai vận hành hoạt động kinh doanh. 

    Dù thị trường chuỗi cà phê nhiều thách thức nhưng vào tháng 3/2020, Nestlé cũng đưa vào vận hành quán cà phê kiểu take-away Nescafé Hub tại Hà Nội và mới mở thêm quán thứ 2 tại TP.HCM. Tuy nhiên, Nescafé Hub vẫn đang trong gaii đoạn thăm dò, chờ sự phản hồi của thị trường Hà Nội và TP.HCM. Nếu thị trường khả thi, Nestlé mới nhân rộng thêm quán có thể trong năm 2020. 

    Cuối năm 2019, chuỗi cà phê Ông Bầu cũng bắt đầu xuất hiện trên một vài con đường. Ngay khi mới xuất hiện, cà phê ông Bầu đã nhanh chóng gây sự tò mò bởi hình ảnh nhận diện với màu vàng bắt mắt, cộng thương hiệu ông Bầu có vẻ rất dân dã nhưng lại cũng rất...bí ẩn.

     Quả thật, với sự kết hợp giữa 3 doanh nhân gắn liền với bóng đá Việt Nam gồm: ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức)-Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, ông Võ Quốc Thắng (Bầu Thắng)- Chủ tịch Công ty CP Đồng Tâm và ông Trần Thanh Hải- Chủ tịch Công ty Nutifood đã khiến Ông Bầu tạo được sự hấp dẫn và thu hút. Chỉ trong gần 4 tháng sau khi ra mắt, chuỗi Ông Bầu đã có gần 100 cửa hàng, trải dài từ TP.HCM đến Thái Nguyên.

    Chiến lược nào?

    Nếu chiến lược của Nescafé Hub là chuyên đánh mảng take-away, với giá thức uống từ 22.000-50.000 đồng thì chuỗi cà phê Hi-Café lại đi theo chiến lược “lợi thế có sẵn”, đó là hệ thống  430 cửa hàng Giấc mơ sữa Việt và triển khai pha chế cà phê tại đó, với sữa là chính và cà phê là phụ. Tại đại hội cổ đông 2020, bà Mai Kiều Liên- Tổng giám đốc Vinamilk cũng khẳng định: “Vinamilk không bỏ ra 10.000 - 20.000 đô la để thuê mặt bằng mở quán mà chỉ tận dụng cơ sở của mình”. Bà Liên khẳng định: “Sữa vẫn là mảng chính của Vinamilk và cà phê kết hợp với sữa Ngôi sao Phương Nam sẽ là món cà phê sữa tuyệt vời”.

    Cùng lợi thế nguồn nguyên liệu là sữa, cả chuỗi cà phê Ông Bầu của Nutifood và Hi-Café của Vinamilk đều đánh vào phân khúc khách hàng bình dân, nhưng cách đi của Ông Bầu khá tự tin và quyết liệt khi nguồn nguyên liệu đến từ nông trường Cada và chú trọng phát triển các quán nhỏ ở góc đường hoặc xe đẩy trước nhà. Mục tiêu tương lai của chuỗi cà phê Ông Bầu là có thể xuất hiện bất cứ ngóc ngách nào của Việt Nam với giá cũng...bình dân, từ 16.000-32.000 đồng/ly trong đó có những món hợp xu hướng giới trẻ như trà sữa, trà vải, latte, các loại sữa chua, nước thanh lọc cơ thể … và món đặc trưng của thương hiệu Ông Bầu là cà phê thật hay Pandan Macchiato vừa thơm mùi lá dứa, vừa có vị béo ngọt của sữa và pha trộn vị đăng đắng đặc trưng của cà phê.

    Bên cạnh đó, chiến lược dựa vào lượng fans bóng đá đông đảo mà đối tượng này chủ yếu lại thích ngồi la cà các quán cà phê ven đường, nay lại có cà phê ngon, chất lượng sạch, giá rẻ và hình thức kinh doanh nhượng quyền cho những người muốn khởi nghiệp nhưng lại hạn chế về vốn và gặp khó vì không có kinh nghiệm pha chế thì kiểu gì sức lan tỏa cũng nhanh. Đây chính là cách đi nhanh mà Ông Bầu đang tự tin theo đuổi. 

    Theo đuổi triết lý “Thật và Sạch”, ông Đoàn Nguyên Đức cho biết: "Đây là triết lý tôi theo đuổi trong suốt sự nghiệp của mình.  Bóng đá phải "Sạch" và cà phê phải "Thật". Mỗi  ly cà phê Ông Bầu bán ra sẽ đóng góp 1.000 đồng cho Quỹ Phát triển tài năng Việt”, ông nói.

    Ông Võ Quốc Thắng cũng chia sẻ, thách thức lớn nhất với các Ông Bầu là làm sao tìm ra mô hình kinh doanh khởi nghiệp hiệu quả tạo công ăn việc làm cho người lao động, xây dựng được thói quen uống cà phê thật và mô hình đó tự tạo được nguồn đóng góp ngược lại cho xã hội.Thử nghiệm trên rất nhiều mô hình, chúng tôi tìm ra được mô hình kinh doanh hiệu quả của quầy bar di động khi chi phí đầu tư thấp từ 70 triệu, đặt đúng vị trí sẽ dễ dàng có doanh số trung bình 1 ngày ít nhất từ 800 ngàn – 1.2 triệu đồng. Người lao động lấy công làm lời sẽ có thu nhập tốt, người tiêu dùng thì được uống cà phê thật và mô hình này cũng đóng góp ít nhất vào Quỹ Phát triển Tài năng Việt được 30 – 40 nghìn đồng một ngày”.

    “Mục tiêu của Ông Bầu sẽ là 10.000 điểm bán trong những năm tới bởi khi hệ thống đủ rộng, đủ lớn thì cà phê thật mới nhanh chóng đến được với nhiều người tiêu dùng", ông Trần Thanh Hải cũng cho biết.

    Sau các ông Bầu là ai?

    Một điều thú vị là mặc dù ý tưởng kinh doanh chuỗi cà phê Ông Bầu là của ba doanh nhân có tên tuổi nhưng người đại diện pháp luật của cà phê Ông Bầu lại là bà Trần Thị Kim Oanh-Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Công ty với cổ phần cao nhất là 51%. Hai cổ đông còn lại trong nhóm cổ đông sáng lập là bà Đoàn Hoàng Anh (con Bầu Đức) và ông Võ Quốc Lợi (con Bầu Thắng), mỗi người năm 24,5% cổ phần cũng đang sở hữu 4,74% cổ phần tại Ngân hàng Kiên Long (Kienlongbank). 

    Về cổ đông lớn nhất của cà phê Ông Bầu-bà Trần Thị Kim Oanh, hiện là thành viên ban kiểm soát của Công ty CP Cà phê Phước An. Năm 2017, NutiFood đã mua lại cổ phần chi phối Công ty Phước An, đơn vị sỡ hữu nông trại cà phê CaDa có diện tích hơn 4.000 ha, công suất hơn 11.000 tấn cà phê/năm và ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch NutiFood làm người đại diện pháp luật.Như vậy, về mặt nguyên liệu, Ông Bầu có cơ sở để tự tin tham gia thị trường. 

    screen-shot-2020-07-01-at-0840-4526-8689
     

    Cũng trước khi ra mắt cà phê Ông Bầu, Bầu Đức từng tiết lộ với báo chí, với quỹ đất trồng cà phê oganic đã triển khai từ lâu, ông cùng đối tác đang có ý đồ sản xuất cà phê sạch. "Tôi nhận thấy nếu lấy tên là 'cà phê ông Đức' e rằng không ai biết, nên quyết định chọn thương hiệu 'cà phê Ông Bầu' - ông nói.

    Thật ra, “cách đi” của Ông Bầu không mới và trong một thị trường dù tiềm năng nhưng cũng vô cùng khốc liệt, chưa thể nói trước điều gì cho một thương hiệu còn non trẻ. Tuy nhiên, việc có mặt của các Ông Bầu như bầu Thắng, bầu Đức một cách ...gián tiếp, thậm chí Bầu Thắng còn trực tiếp đứng bán cà phê và giao cà phê cho khách đi đường ghe mua khiến nhiều người hâm mộ thích thú. Và có lẽ, đây là cách làm marketing hiệu quả nhất mà Ông Bầu đang tự tin bước vào sân chơi.

    Theo Doanhnhansaigon.vn

    Bài viết khác
    ĐĂNG KÝ ĐĂNG NHẬP
    Zalo
    Gọi điện