DOANH NHÂN VIỆT NAM VCEO
KIẾN TẠO CƠ HỘI - KẾT NỐI THÀNH CÔNG

Kích cầu du lịch lần hai: Quân bài giảm giá đã không còn phù hợp

28/09/2020

Nhiều ý kiến cho rằng, để kích cầu du lịch lần hai, các doanh nghiệp không nên quá băn khoăn về giá mà cần cố gắng mang đến cho khách hàng sự an toàn và chất lượng dịch vụ.
Mục lục bài viết

    Kích cầu du lịch lần hai sẽ khó khăn hơn lần một

    Không thể giảm giá thêm vì doanh nghiệp đã kiệt sức

    Đánh giá về những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 lên ngành du lịch, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch chia sẻ, khi dịch xuất hiện không ai lường trước được những diễn biến phức tạp và sự ảnh hưởng lớn của nó như hiện tại. 

    Những người làm trong ngành cũng dự đoán dịch chỉ diễn ra vài tháng. Song càng ngày càng thấy hậu quả khủng khiếp, ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch. Đây có thể nói là sự kiện gây ảnh hưởng lớn nhất đến ngành du lịch từ trước đến nay.

    Báo cáo của ngành du lịch thế giới cho thấy hết quý I, doanh thu từ du lịch giảm 22%, sang quý II toàn thế giới giảm 87%, 6 tháng đầu năm giảm 65%. Tốc độ giảm rất nhanh gây thiệt hại 440 tỷ USD. Tổ chức du lịch thế giới dự báo nếu dịch tiếp tục năm nay doanh thu toàn ngành sẽ giảm 1.000 tỷ USD và giảm 1 tỷ khách du lịch. 

    Trong bối cảnh này, ông Bình cho rằng, giải pháp để kích cầu du lịch cũng phải đặc biệt thì mới hy vọng có thể mang lại hiệu quả. 

    Thời gian qua, toàn ngành du lịch đã nỗ lực để đợt kích cầu lần một thành công. Tuy nhiên, nếu chỉ dùng các giải pháp như cũ sẽ không giải quyết được khó khăn hiện tại.

    Đơn cử như đợt kích cầu lần này, giá không thể giảm thấp hơn do các doanh nghiệp đang kiệt sức. Nếu tháng 11, 12 lại bùng dịch thì công sức bỏ ra để kích cầu nhiều mà hiệu quả thu lại không đáng bao nhiêu. 

    Đồng quan điểm, tại tọa đàm "Kích cầu du lịch nội địa - Trải nghiệm Việt Nam an toàn, hấp dẫn", ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội cũng cho rằng, trong đợt kích cầu lần hai doanh nghiệp không nên giảm giá bằng nguồn lực của mình. Doanh nghiệp không nên tăng giá nhưng không cần giảm giá dịp cuối tuần bởi ban thân họ cũng đang hết sức khó khăn.

    Thay vào đó, các doanh nghiệp cần thêm sự tiếp sức của chính quyền. Để hỗ trợ ngành du lịch, địa phương cũng phải vào cuộc. Các doanh nghiệp nên liên kết với nhau và bắt tay với hàng không, doanh nghiệp vận chuyển cùng kêu gọi chính phủ giảm thuế.

    Chính phủ và các địa phương nên nên hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để xây dựng sản phẩm hấp dẫn, đồng thời giảm giá vé, giảm thuế, phí cho doanh nghiệp du lịch trên địa bàn. 

    Ông Hùng hi vọng các cấu thành của sản phẩm như vé máy bay (thuế cao), xe ô tô (phí cầu đường, bến bãi) sẽ được chính quyền áp dụng chính sách giảm thuế, phí. 

    Doanh nghiệp cùng liên kết để kích cầu bằng chất lượng dịch vụ

    Để kích cầu ngành du lịch, bà Trần Thị Nguyện, Giám đốc Kinh doanh SunWorld cho rằng, điều quan trọng nhất là phải làm sao để khách du lịch thấy được sự hấp dẫn của điểm đến.

    Theo đó, việc đầu tiên cần làm là tuyên truyền để người dân hiểu đây là thời điểm an toàn để đi du lịch. Việc thứ hai là các doanh nghiệp cần tạo ra sản phẩm làm mới bằng nhiều cách như làm mới hoàn toàn, làm mới các gói cũ để thu hút khách du lịch.

    Việc thứ ba là các doanh nghiệp phải cùng nhau liên kết để kích cầu du lịch. Liên kết trước hết là đối với các điểm đến ở từng vùng, miền để phát triển du lịch. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần liên kết với hàng không, các công ty lữ hành để cùng hỗ trợ nhau phát triển. 

    Bản thân Sun Group cũng đồng hành cùng Vietnam Airlines để đưa ra các combo du lịch hấp dẫn cho du khách, liên kết giữa khách sạn, công ty du lịch với nhau để cam kết chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng để khách hàng yên tâm về chất lượng.

    "Doanh nghiệp cũng cần cam kết với nhau về giá giảm, minh bạch lộ trình thực hiện và truyền thông rộng trong giới du lịch. Chúng ta đảm bảo cuộc chơi văn minh để khách hàng thay đổi thói quen du lịch", bà Nguyện chia sẻ.

    Về vấn đề này, bà Nguyễn Hoài Thu, Phó giám đốc văn phòng Hà Nội, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn cũng cho rằng, để kích cầu du lịch, các doanh nghiệp không nên quá băn khoăn về giá mà cần cố gắng phục vụ khách hàng tốt nhất. 

    Khách hàng sẽ là người truyền thông tốt nhất để du lịch Việt sôi động trở lại vào cuối năm. Khách an tâm, an toàn đi du lịch đã là một thắng lợi lớn tạo niềm tin để ngành du lịch phục hồi. 

    Theo bà Thu, yếu tố quan trọng nhất để kích cầu du lịch ở thời điểm này là sự an toàn và chất lượng dịch vụ.

    Đưa ra một số giải pháp khác giúp ngành du lịch vượt bão Covid-19, ông Bình cho rằng, Chính phủ đang yêu cầu phải phát triển kinh tế song song phòng chống dịch. Nhiều địa phương đề cao việc chống dịch hơn phát triển kinh tế, song nếu cứ thế có khi sẽ "chết trước" khi dịch đẩy lùi.

    Vì vậy, ngành du lịch phải vừa kích cầu vừa nghĩ giải pháp xa hơn, tốt hơn để giải quyết ảnh hưởng, ví dụ như sống chung với dịch. 

    Doanh nghiệp làm du lịch nên tư duy theo cách mới, tiếp cận khách hàng theo cách mới như ứng dụng hệ thống tự động, sử dụng trí tuệ nhân tạo, tiếp cận công nghệ mới để phát triển. Doanh nghiệp nên chuyển đổi số để khắc phục nhanh hậu quả dịch bệnh để lại.

    Trong đợt kích cầu lần hai, doanh nghiệp nên song song nghiên cứu, tìm hiểu chuyển đổi số để đưa du lịch thành ngành kinh tế số để vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch. Các doanh nghiệp cần xác định dù dịch bệnh có tái phát cũng không bất ngờ và có kinh nghiệm để đối phó ngay lập tức.

    Nguồn: theleader.vn

    Bài viết khác
    ĐĂNG KÝ ĐĂNG NHẬP
    Zalo
    Gọi điện