DOANH NHÂN VIỆT NAM VCEO
KIẾN TẠO CƠ HỘI - KẾT NỐI THÀNH CÔNG

Khả năng phục hồi của ngành logistics hậu đại dịch

15/11/2020

Thị trường logistics đầy tiềm năng tại Việt Nam có nguy cơ trở thành miếng mồi béo bở cho các công ty nước ngoài khai thác nếu không có chính sách kịp thời nhằm kiện toàn năng lực của doanh nghiệp nội địa.
Mục lục bài viết

    Logistics được xem là mạch máu của nền kinh tế. Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp.

    Ngành logistics được đánh giá là mạch máu của nền kinh tế, đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với các quốc gia phụ thuộc nhiều vào thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài như Việt Nam.

    Đây cũng là nguyên nhân trong suốt thời gian qua ngành logistics luôn được chú trọng đẩy mạnh, thông qua các chính sách về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện khung pháp lý và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

    Tuy nhiên, logistics cũng là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất từ cú sốc mang tên Covid-19. Sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng không chỉ đóng băng hoạt động của ngành logistics mà còn làm lộ rõ ra những yếu điểm còn tồn đọng.

    Vận hành kém hiệu quả

    TS. David John Whitehead, Phó chủ tịch Phòng thương mại Australia tại Việt Nam (Auscham) nhận xét, hệ thống cơ sở hạ tầng của Việt Nam tuy được chú trọng phát triển nhưng vẫn thiếu đi tính kết nối, khiến mạng lưới vận tải thường xuyên bị ngưng trệ, cùng với thủ tục hành chính và khung pháp lý chồng chéo, đẩy chi phí dịch vụ logistics tăng cao.

    “Hiện nay, chi phí logistics ở Việt Nam tương đương với khoảng 21% GDP, cao hơn gần gấp đôi so với trung bình của thế giới là 12%. Đây là thách thức rất lớn đặt ra đối với ngành logistics nói riêng cũng như nền kinh tế nói chung”, ông Whitehead nhấn mạnh.

    TS. David John Whitehead, Phó chủ tịch Phòng thương mại Australia tại Việt Nam.

     

    Bên cạnh đó, dịch vụ logistics vận hành kém hiệu quả cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng lượng phát thải không cần thiết, gây tổn hại tới tiến trình chuyển đổi mô hình kinh tế, hướng tới phát triển bền vững.

    Bình luận hiệu quả hoạt động logistics, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, chuyên gia thương mại và kinh tế quốc tế, trường đại học Kinh tế quốc dân nhận xét, chi phí cao thực chất có thể được xem là cơ hội cho ngành logistics trong thời gian tới.

    Cụ thể, chi phí cao sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tiếp tục gia nhập vào thị trường logicstics. Ngoài ra, đây cũng được xem là một thước đo cho hiệu quả đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

    Doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh thị phần

    Ông Whitehead cho biết, hiện tại có khoảng 25 doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam nhưng lại chiếm phần lớn thị phần và hầu như toàn bộ những đơn hàng có giá trị gia tăng cao, đồng thời thu hút nhiều nhân sự trung và cao cấp.

    Đặc biệt, Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) đi vào hiệu lực tạo điều kiện cho các doanh nghiệp châu Âu mở rộng hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là các lĩnh vực mới như phân phối container rỗng.

    Theo đánh giá của Auscham, nhu cầu về logistics sẽ tăng nhanh trong thời gian tới, khi mức thu nhập và điều kiện sống của người dân được cải thiện, kéo theo yêu cầu về chất lượng dịch vụ cũng ngày càng tăng cao. Như vậy, nếu không có các biện pháp kịp thời nhằm kiện toàn năng lực cạnh tranh cho khu vực nội địa, miếng bánh thị trường sẽ tiếp tục rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài.

    Khả năng phục hồi của ngành logistics

    Giới chuyên gia chưa thể đưa ra một kịch bản chắc chắn về viễn cảnh phục hồi của nền kinh tế nói chung cũng như logistics nói riêng khi dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như tồn tại nguy cơ tiếp tục bùng phát tại Việt Nam.

    Theo ông Whitehead, điều quan trọng nhất lúc này là nâng cao năng lực thích ứng của doanh nghiệp trong trạng thái bình thường mới, bao gồm thay đổi phương thức làm việc, chủ động ứng dụng công nghệ số và áp dụng quy trình kiểm soát dịch tễ nghiêm ngặt. Điều này có thể làm gia tăng chi phí logistics nhưng là yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp tiếp tục tồn tại.

    Cùng với đó, giải pháp dòng tiền cũng cần được doanh nghiệp chuẩn bị kỹ lưỡng, đề phòng kịch bản xấu nhất có thể xảy ra. Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH quốc tế Delta cho biết, việc thực hiện phương án cơ cấu dịch vụ, cơ cấu đầu tư và cơ cấu nợ là bí quyết giúp doanh nghiệp của ông vượt qua những ngày tháng khó khăn nhất.

    Về dài hạn, chính phủ cần có phương án kiện toàn và tinh gọn chuỗi cung ứng. Theo đại diện của Auscham, đây là bài học quan trọng rút được từ đại dịch Covid-19.

    Trên thực tế, chuỗi cung ứng gián đoạn đang là tạo ra lợi thế cho các quốc gia sở hữu năng lực sản xuất và xuất khẩu tốt nhưng cũng là phép thử về khả năng nắm bắt cơ hội để vươn lên mạnh mẽ sau đại dịch của doanh nghiệp Việt Nam.

    Nguồn: Theleader.vn

    Bài viết khác
    ĐĂNG KÝ ĐĂNG NHẬP
    Zalo
    Gọi điện