DOANH NHÂN VIỆT NAM VCEO
KIẾN TẠO CƠ HỘI - KẾT NỐI THÀNH CÔNG

Đã đến lúc ngành du lịch mở cửa đón khách?

28/07/2020

Đóng góp đến 9,2% GDP cả nước nhưng ngành công nghiệp không khói đang lao đao vì Covid-19. Khi dịch bệnh đã vào tầm kiểm soát, những phương án "giải cứu" đã được đưa ra, trong đó có việc mở cửa thị trường đón khách quốc tế.
Mục lục bài viết

    Tháo gỡ khó khăn

    Năm 2018, doanh thu của ngành công nghiệp không khói đạt 637.000 tỷ đồng, năm 2019 đạt 755.000 tỷ đồng (tăng 18,5%), đóng góp 9,2% GDP cả nước. Hơn 40.000 doanh nghiệp (DN) du lịch đã tạo ra khoảng 4,5 triệu việc làm trực tiếp và hàng triệu việc làm gián tiếp. Thế nhưng, từ khi Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp, ngành du lịch đã thiệt hại rất nặng nề. Trong 6 tháng qua, có 148 DN lữ hành quốc tế xin trả giấy phép, dự báo từ nay đến cuối năm, số lượng DN đóng cửa vì khó khăn do Covid-19 sẽ còn tăng mạnh.

    Với hơn một nửa doanh thu của ngành du lịch đến từ khách nước ngoài nên dù thị trường nội địa có phục hồi nhưng chỉ có ý nghĩa với một số DN, trong khi những DN kinh doanh khách quốc tế vẫn đang lao đao. Trước những khó khăn này, Bộ Giao thông - Vận tải đã có văn bản kiến nghị Chính phủ từ đầu tháng 8/2020 được tổ chức các chuyến bay đến Quảng Châu (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia) với tần suất một chuyến/tuần/điểm đến. Nếu kế hoạch này được thông qua, dự kiến mỗi tuần sẽ có từ 2.500-3.000 hành khách được đưa vào Việt Nam trên các chuyến thường lệ (ngoài các chuyến ưu tiên cho công dân từ nước ngoài về, những chuyến bay thuê chuyên chở chuyên gia từ các nước vào Việt Nam).

    Lượng hành khách nội địa qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã phục hồi 100%, khoảng 400-450 lượt chuyến với hơn 600.000 hành khách mỗi ngày

    Lượng hành khách nội địa qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã phục hồi 100%, khoảng 400-450 lượt chuyến với hơn 600.000 hành khách mỗi ngày

    Số lượng khách đến Việt Nam, như tính toán của Bộ Giao thông - Vận tải là khả quan vì theo Tổng cục Du lịch, một số nước đã đặt vấn đề nối lại đường bay với Việt Nam. Đến nay, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines... đã đề xuất làm việc với Tổng cục Du lịch về mở cửa du lịch vào Việt Nam. Và hiện các hãng hàng không đã sẵn sàng mở lại các đường bay quốc tế ngay khi được cấp phép. Theo đại diện của Vietnam Airlines, hãng đã xây dựng và ban hành các quy trình, quy định về khai thác bay và phục vụ hành khách để đảm bảo an toàn dịch tễ, tuân thủ chặt chẽ các quy định về kiểm dịch và phòng dịch của cơ quan chức năng. Hãng cũng đã sẵn sàng khai thác các thị trường Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN khi Chính phủ cho phép nối lại các đường bay, đồng thời chuẩn bị các phương án bay đến châu Âu vào cuối năm 2020.

    Mở cửa thế nào?

    Theo tính toán của Tổng cục Du lịch, nếu mở cửa thị trường từ cuối quý III thì cả năm 2020, tổng lượt du khách các nước đến Việt Nam là khoảng 6-8 triệu. Còn nếu trong quý IV mới mở cửa thì con số này sẽ chỉ khoảng 4-5 triệu lượt. Và nếu không có khách nước ngoài, nguồn thu từ du lịch chỉ còn khoảng 220.000 - 240.000 tỷ đồng, sụt giảm đến hơn 2/3 so với năm 2019.

    Mở cửa thị trường là yêu cầu cấp thiết để "giải cứu" một ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước. Tuy nhiên, theo ông Trần Trọng Đình Khôi - Phó giám đốc Công ty Viantravel, khi mở cửa cũng phải xem xét yếu tố an toàn cho người dân. Phải đảm bảo rằng du khách vào Việt Nam đến từ các quốc gia đã được kiểm soát dịch bệnh.

    Ông Hoàng Nhân Chính - Tổng thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cũng cho biết, TAB đã đề xuất Việt Nam phải có quy trình và thủ tục để mở cửa thị trường, gồm mở lại các đường bay và đảm bảo các đường bay chỉ được phép khai thác những chuyến bay thẳng, yêu cầu du khách nhập khẩu khai báo y tế và đo nhiệt độ, thỏa thuận về việc xét nghiệm xác suất Covid-19 và thủ tục xét nghiệm hay như việc cài đặt ứng dụng theo dõi trong thời gian ở Việt Nam. Một giải pháp nữa được TAB đưa ra là mời chào du khách đến những khu nghỉ dưỡng biệt lập, thỏa mãn các tiêu chí an toàn cho các nhóm du khách đến bằng các chuyến bay thuê chuyến, cho phép toàn nhóm được giới hạn không gian ở một địa điểm để loại bỏ rủi ro lây nhiễm cho cộng đồng.

    Ông Trần Hùng Việt - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM:

    Thời gian qua, chính sách hạn chế xuất nhập cảnh để đối phó với dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến ngành du lịch của TP.HCM. Hiệp hội Du lịch TP.HCM vừa qua đã tham gia rất nhiều chương trình kích cầu du lịch. Đặc biệt, chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" vừa rồi có hiệu ứng rất lớn, góp phần thúc đẩy du lịch ở nhiều vùng. Một số doanh nghiệp du lịch dữ hành cho biết, hoạt động du lịch trong nước khởi sắc đáng kể do có nhiều sản phẩm hơn.

    Đối với chính sách mở cửa hàng không của Thủ tướng, tôi nghĩ rằng điều này sẽ tiếp nối các chính sách kích cầu du lịch trong nước. Du lịch là ngành tổng hợp, khi du lịch phát triển cũng kéo theo sự khởi sắc của nhiều ngành khác. Tuy nhiên, chúng ta cần mở cửa dần dần và tùy theo thị trường.

    Bên cạnh đó, vấn đề kiểm soát y tế phải kỹ lưỡng từ khâu đầu vào, từ lúc khách lên máy bay đến lúc xuống sân bay. Các công ty du lịch, khách sạn... khi đón khách phải đảm bảo đầy đủ, từ việc kê khai y tế đến dụng cụ an toàn như khẩu trang, nước rửa tay... để đảm bảo an toàn cho du khách và người dân trong nước.

    Ông Trần Thế Dũng - Phó giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ TP.HCM:

    "Thời gian đầu chỉ mở cửa cho một số nước đã phòng chống dịch tốt. Nếu tình hình dịch bệnh ổn định, sẽ mở rộng ra một số nước khác nhưng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đối tác để đảm bảo du khách không mang mầm bệnh. Bên cạnh đó, nên dành một số khu vực như Phú Quốc, Vân Đồn và mở loại hình nghỉ dưỡng dành cho khách nước ngoài. Những nơi đó phải có resort biệt lập với đầy đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, như ca nhạc, casino, bar... Như vậy sẽ thu hút được khách nước ngoài và cũng dễ dàng hơn cho việc quản lý.

    Ông Đỗ Hòa - Giám đốc Công ty Tinh hoa Quản trị:

    Dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài. Giả sử dịch kéo dài đến sang năm, kinh tế bị ảnh hưởng vì chính sách đóng cửa, cuộc sống người dân chắc chắn cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

    Do chưa biết khi nào hết dịch nên chúng ta chỉ còn cách sống chung với dịch. Mở cửa cũng là một biện pháp giúp cho bộ máy các bộ ngành trở nên năng động hơn, có trách nhiệm hơn, phù hợp với tình hình hiện tại.

    Nhưng không phải là mở toang tất cả, theo tôi, chỗ nào mở được mới mở. Đồng thời, đi kèm với định hướng mở cửa, các bộ ngành liên quan phải có những hướng dẫn cụ thể và quy định kiểm tra chặt chẽ để phòng ngừa rủi ro.

    Việt Nam là nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, một số địa phương phụ thuộc chính vào du lịch. Việc Thủ tướng đồng ý khôi phục hoạt động hàng không giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như một số nước khác sẽ góp phần vào quá trình hồi phục kinh tế. Tác động tích cực trước hết là ngành du lịch, sau đó sẽ lan sang nhiều ngành khác như vận tải, ăn uống, bán lẻ...

    Đối với ngành hàng không, có đề xuất chỉ mở một chuyến/tuần, nên xem xét mở theo nhu cầu, nhu cầu bao nhiêu nên mở tương ứng bấy nhiêu, đi kèm với những quy định kiểm soát chặt chẽ.

    Thực tế trong 10 năm gần đây, khách du lịch Trung Quốc luôn đứng đầu trong tổng số du khách quốc tế đến Việt Nam. Tuy nhiên, ngành du lịch cần giám soát chặt chẽ hơn nữa các đoàn du lịch từ Trung Quốc, nhất là các "tour 0 đồng". Rất nhiều đoàn du lịch kiểu này không sử dụng dịch vụ du lịch cũng như mua sắm ở các cửa hàng Việt Nam, khiến ngành du lịch trong nước không thu được lợi gì.

     

    Theo DoanhnhanSaigon.vn

    Bài viết khác
    ĐĂNG KÝ ĐĂNG NHẬP
    Zalo
    Gọi điện