DOANH NHÂN VIỆT NAM VCEO
KIẾN TẠO CƠ HỘI - KẾT NỐI THÀNH CÔNG

6 nguyên tắc vàng để doanh nghiệp đối mặt với khủng hoảng

30/09/2020

Cuộc khủng hoảng diễn ra trong mấy tháng qua khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải tự nhìn nhận và đánh giá lại những giá trị, năng lực cốt lõi, chiến lược và mô hình kinh doanh của mình, từ đó đưa ra các điều chỉnh thích hợp và kế hoạch hành động cụ thể cho giai đoạn hậu Covid-19.
Mục lục bài viết

    Deloitte Việt Nam và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa ra mắt cuốn cẩm nang “Ứng phó, phục hồi, phát triển trong và sau khủng hoảng dành cho doanh nghiệp”

    Đại dịch Covid-19 là ví dụ điển hình về một cuộc khủng hoảng gây tác động tiêu cực sâu, rộng và lâu dài đến hoạt động của các doanh nghiệp, tạo cú sốc cho doanh nghiệp xét về kết quả kinh doanh trên cả thực tế và kỳ vọng. Chỉ số sức khỏe của doanh nghiệp (VBIS) được ghi nhận xấu nhất trong 10 năm trở lại đây.

    Một số khó khăn có thể thấy rõ là doanh thu giảm do thị trường thu hẹp, thiếu hụt vốn/dòng tiền, khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào; khó khăn trong việc duy trì sản xuất đơn hàng đã ký; thiếu hụt lực lượng lao động phù hợp…

    Điều này khiến các doanh nghiệp phải tự nhìn nhận và đánh giá lại những giá trị, năng lực cốt lõi, chiến lược, và mô hình kinh doanh, từ đó có những điều chỉnh thích hợp và đưa ra các kế hoạch hành động cụ thể cho giai đoạn hậu Covid-19.

    Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam nhận định, sau khi làn sóng Covid-19 thứ hai quay trở lại và đang được kiểm soát tốt, doanh nghiệp bắt đầu lấy lại niềm tin về khả năng phục hồi trong tâm thế sẵn sàng đối phó với những thách thức ở phía trước. Dù chặng đường phục hồi và hưng thịnh có thể còn dài và khó khăn, nhưng với sự hỗ trợ từ Chính phủ và nỗ lực bản thân, doanh nghiệp vẫn có thể đứng vững.

    Để doanh nghiệp có thể chủ động đối mặt với khủng hoảng, 6 nguyên tắc vàng đã được các chuyên gia đúc kết trong cuốn cẩm nang “Ứng phó, phục hồi, phát triển trong và sau khủng hoảng dành cho doanh nghiệp” được Deloitte và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) ra mắt mới đây.

    Một là đặt nền móng kiến tạo một doanh nghiệp kiên cường và linh hoạt, sẵn sàng đối mặt với mọi bất ổn. Hai là bảo toàn và thúc đẩy doanh thu. Ba là giảm và quản lý chặt chẽ chi phí thông qua việc tăng tỷ suất lợi nhuận gộp và lợi nhuận thuần để chống lại các ảnh hưởng tiêu cực lên doanh thu. Bốn là tối ưu hóa tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu.

    Năm là tăng tốc chuyển đổi số, sử dụng công nghệ và dữ liệu để tạo điều kiện cho tăng trưởng, giảm chi phí và phát triển thành một doanh nghiệp số. Sáu là quản lý kỳ vọng, thích ứng để có thể đáp ứng kỳ vọng của các bên liên quan và chủ động giải quyết các rủi ro do tình hình bất ổn gây ra.

    Vận dụng 6 nguyên tắc

    Để kiến tạo một doanh nghiệp kiên cường và linh hoạt, sẵn sàng đối mặt với mọi bất ổn, các doanh nghiệp luôn cần có tư duy “tìm cơ hội trong thách thức” và sử dụng các công cụ để xác định các giải pháp thích hợp nhằm biến nguy thành cơ.

    Để làm được điều này, Deloitte gợi ý việc chủ động sử dụng khung phát triển trong khủng hoảng để đưa ra các giải pháp đối mặt nhanh nhạy trước các biến động và tận dụng những cơ hội phát triển mới, với 3 công cụ cần được sử dụng liên hoàn để xây dựng có hệ thống các giải pháp tối ưu.

    Công cụ thứ nhất là biểu đồ biến động và cơ hội dùng để đánh giá mức độ ảnh hưởng của các biến động lên doanh nghiệp cũng như cơ hội đặt ra, qua đó xác định “nguyên mẫu phát triển” thích hợp, giúp doanh nghiệp đối mặt hiệu quả với khủng hoảng.

    Biểu đồ biến động và cơ hội

    Bốn nguyên mẫu phát triển bao gồm: tái ưu tiên với các hoạt động như thắt chặt chi phí, tập trung vào tăng cường hiệu quả của các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi; dừng ưu tiên các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, đầu tư vào các mô hình kinh doanh và năng lực mới để nhảy vọt; gia tăng đầu tư và tìm kiếm các cơ hội sát nhập để tăng tốc; duy trì đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi để đảm bảo tính ổn định, nhưng vẫn xem xét các cơ hội mở rộng thị trường và sản phẩm.

    Công cụ thứ hai là ma trận định vị giải pháp, dùng để xác định các giải pháp đã được xây dựng dựa trên sự tương quan giữa “nguyên mẫu phát triển” với thị trường và phân khúc khách hàng, cũng như các sản phẩm và nguồn lực hiện tại của doanh nghiệp.

    Cụ thể, các giải pháp tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới phục vụ cho những thị trường chưa tồn tại sẽ áp dụng cho nguyên mẫu phát triển nhảy vọt. 

    Những giải pháp mở rộng từ những ngành kinh doanh hiện tại sang những ngành kinh doanh “mới mẻ đối với doanh nghiệp” áp dụng cho nguyên mẫu phát triển ổn định hoặc tăng tốc. 

    Những giải pháp tối ưu hóa các sản phẩm hiện tại cho những khách hàng hiện tại áp dụng cho nguyên mẫu phát triển tái ưu tiên.

    Công cụ thứ ba là điểm giao DVF hoàn hảo dùng để xác định những giải pháp vừa đáp ứng nhu cầu của khách hàng (Desireable), vừa mang lại hiệu quả tài chính (Viable) đồng thời khả thi (Feasible), nhằm giúp doanh nghiệp nhanh chóng ra quyết định tạm dừng, thúc đẩy, hoặc chuyển hướng các giải pháp.

    Sau khi đã lựa chọn được các giải pháp, doanh nghiệp cần thực hiện các giải pháp theo năm bước. Một là tóm tắt và trau chuốt những giải pháp được ưu tiên thực hiện bao gồm cơ sở lý luận/so sánh lợi ích chi phí, mục tiêu, cân nhắc về vốn/dòng tiền, yêu cầu về năng lực. Hai là xây dựng lộ trình chi tiết và chia giai đoạn cho các giải pháp được ưu tiên thực hiện, bao gồm khung thời gian, vai trò trách nhiệm, quản trị và các mối liên hệ phụ thuộc.

    Ba là xây dựng chiến lược và kế hoạch truyền thông trong đội nhóm cũng như với các bên liên quan, đồng thời thông báo các thay đổi trong nội bộ song song với bên ngoài. Bốn là triển khai các giải pháp được ưu tiên thực hiện, bao gồm cấu trúc quản trị và giám sát. Năm là giám sát, theo dõi và báo cáo tiến độ triển khai một cách đều đặn, thông qua các phương tiện quản trị và báo cáo đã được thiết lập.

    Điểm giao DVF hoàn hảo

    Tuy nhiên, các chuyên gia Deloitte lưu ý, điều kiện tiên quyết để một doanh nghiệp có thể biến nguy thành cơ là có một đội ngũ lãnh đạo kiên cường. 

    Đó là những người lãnh đạo luôn đặt nhiệm vụ lên hàng đầu, khai thác cả năng lượng tích cực và tiêu cực của những biến động để khơi nguồn sáng tạo. Đó là những người biết ưu tiên tốc độ, hành động quyết đoán với lòng quả cảm quan trọng hơn là nhắm tới sự hoàn hảo. Đó là những người làm chủ được thông điệp để các bên liên quan cùng kề vai sát cánh. Đó là những người giữ được tầm nhìn dài hạn để lan tỏa niềm tin và lòng kiên định trong hệ sinh thái.

    Đặc biệt, đó là những người lãnh đạo bằng trái tim, tìm kiếm và củng cố các giải pháp phù hợp với mục đích, nghĩa vụ xã hội và phục vụ giá trị tâm đức của doanh nghiệp, hết lòng vì lợi ích của các bên.

    Đội ngũ lãnh đạo kiên cường sẽ thể hiện các phẩm chất của họ qua hàng loạt hành động tuân thủ nghiêm túc sáu nguyên tắc đối mặt với khủng hoảng trong suốt 3 giai đoạn: ứng phó, phục hồi và phát triển, với sáu ưu tiên liên quan đến: trung tâm chỉ huy, nhân sự và chiến lược, duy trì kinh doanh và cung cấp tài chính, chuỗi cung ứng, gắn kết khách hàng và đảm bảo năng lực kỹ thuật số.

    Trọng trách của một nhà lãnh đạo tạo kiên cường là duy trì khả năng lãnh đạo trong suốt 3 giai đoạn của khủng hoảng để có thể duy trì được đội ngũ nhân tài, tổ chức và tác động xã hội - những yếu tố then chốt để doanh nghiệp hưng thịnh.

    Trong đó, thực sự hướng vào bên trong để huy động sức mạnh nội tâm, đồng thời quản lý năng lượng để duy trì và tối ưu hóa hiệu quả lãnh đạo. Nắm bắt và đồng cảm với những thách thức mà nhân viên đang gặp phải thông qua những cuộc đối thoại thẳng thắn để duy trì đội ngũ nhân tài. Vừa bảo toàn các giá trị, giữ chân nhân tài và khách hàng, duy trì hoạt động kinh doanh, vừa chủ động hình dung ra những mô hình kinh doanh mới phù hợp với những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng do khủng hoảng. Đồng thời, chủ động kiến tạo ảnh hưởng tốt đẹp thông qua việc giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa lợi nhuận và trách nhiệm xã hội.

    Ngoài ra, Deloitte cũng lưu ý, sự tín nhiệm của các bên liên quan dành cho một doanh nghiệp chính là nền tảng để doanh nghiệp ứng phó, phục hồi, phát triển hiệu quả trong và sau khủng hoảng. Sự tín nhiệm này được tích lũy trong quá trình doanh nghiệp đáp ứng đúng mức các nhu cầu về an toàn của các bên liên quan, hay nói cách khác chính là nhờ khả năng quản lý kỳ vọng của họ về sự an toàn, tức là khả năng thực hiện nguyên tắc đối mặt với khủng hoảng số 6.

    Để củng cố sự tín nhiệm của các bên liên quan đối với doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo kiên cường cần hình dung ra những nhu cầu về sự an toàn của các bên liên quan liên quan đến thể chất, cảm xúc, tài chính và kỹ thuật số; từ đó sáng tạo ra các giải pháp đáp ứng.

    Nguồn: theleader.vn

     
    Bài viết khác
    ĐĂNG KÝ ĐĂNG NHẬP
    Zalo
    Gọi điện